Đăng ký

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực…

Bài 1: “Cái khó ló cái khôn”, doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng

Cắt giảm nhân sự có phải là bước đi khôn ngoan?

Để chống chọi trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã chọn phương án cắt giảm nhân sự nhằm giảm tải gánh nặng tiền lương. Dù vậy, ông Trần Quang Thắng- Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý kinh tế TPHCM cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế khi doanh nghiệp không đủ sức gánh chịu. Và dù cắt giảm nhân sự thì doanh nghiệp vẫn nên giữ lại lao động chủ chốt, gắn với duy trì đào tạo, chuẩn bị cho lâu dài cho phát triển bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để tạo sức mạnh, tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.

Dù cắt giảm nhân sự thì doanh nghiệp vẫn nên giữ lại lao động chủ chốt.

Báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi” do Navigos Group vừa công bố cho thấy, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra; 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này. Cụ thể, đa số các doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin không cắt giảm nhân sự, giữ nguyên lương và phúc lợi, trong đó công nghệ thông tin là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất.

Theo khảo sát về kế hoạch phục hồi sản xuất sau đại dịch, 56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường, trong đó 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới.

TS Võ Trí Thành, Phó chủ tịch CLB các nhà kinh tế VEC cho rằng việc doanh nghiệp cắt giảm nhân sự là biện pháp cuối cùng trong các biện pháp cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, dường như việc cắt giảm nhân sự ở doanh nghiệp Việt và FDI có cách ứng xử rất khác nhau.

Với các doanh nghiệp FDI, họ thường truyền thông điệp tới người lao động rằng cắt giảm là lỗi của doanh nghiệp, không phải của người lao động.

“Bài học ở đây là cách ứng xử của văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng”, TS Thành nhấn mạnh. Ngoài ra, ông cũng nêu quan điểm doanh nghiệp phải tái cấu trúc, phải thay đổi bên cạnh việc cầm cự.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong tất cả các nguồn lực đầu vào, nguồn lực nhân lực có tính chất khác biệt với các nguồn lực khác. Đây là hàng hóa sức lao động – một loại hàng hóa đặc biệt. Các nguồn lực như tài chính, nguyên vật liệu, máy móc có tính chất bất biến khách quan. Nguồn nhân lực có tính chất thay đổi dương hay âm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan.

Trong khủng hoảng, các CEO hay có xu hướng cắt giảm chi phí nhân lực – đây thực sự là ý tốt nhưng không hay, không phù hợp do các hoạt động này sẽ làm nguồn lực nhân lực suy giảm một cách đáng kể. Vì thế, thay vì cắt giảm đầu tư vào nhân lực, công ty cần phải tiếp tục đầu tư khôn ngoan vì đây là yếu tố trực tiếp vận hành, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Một khi nhân lực đã chán nản thì sẽ thiếu đi sự gắn kết và đây là tác nhân làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng.

Qua đây để thấy, các CEO cần phải đầu tư và “thật tâm” với nhân sự để hai bên cùng chung sức vượt khó.

Chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần

Dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp. Dù vậy, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số và tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Từ nỗ lực này, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ thành công.

Ông Phạm Duy Nghĩa – Giám đốc Công ty du lịch Bàn Chân Việt – Vietfoot Travel cho biết, sau ảnh hưởng từ 4 làn sóng dịch bệnh, Vietfoot Travel may mắn nằm trong số 10% các doanh nghiệp du lịch còn đang hoạt động. Công ty đã có sự tích lũy và tiềm lực tài chính nhất định, có tòa nhà làm trụ sở văn phòng cho thuê và là nguồn kinh doanh tạo thu nhập của cán bộ nhân viên Công ty ở thời điểm hiện tại…

May mắn này không phải tự nhiên mà có. Trong thời điểm dịch bùng phát, Công ty đã tranh thủ hệ thống hóa lại tất cả sản phẩm outbound, làm lại toàn bộ trang web, thiết kế sản phẩm, chương trình, hệ thống hóa các đối tác tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, Liên hiệp Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời Công ty đã xây dựng kế hoạch cho phát triển thêm mảng inbound, xây dựng sản phẩm để sẵn sàng phục vụ khách vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh, dịch bệnh hiện đang khiến cho ngành du lịch bị “đóng băng” nhưng đây chỉ là một khoảng lặng trong một hành trình dài. Những doanh nghiệp nào “sống sót” và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình tiếp theo sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá. Bởi sau 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá của khách du lịch đang rất lớn, lúc này, doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ thành công.

Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Hà Nội cho biết, hiện Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62.000 người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể.

Qua khảo sát, Hiệp hội DNNVV nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp gặp phải vấn đề khó khăn chung về vốn cho duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương, đóng bảo hiểm cho lao động, chi phí logistics ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, các chi phí liên quan đến xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành phố khác, việc sớm triển khai tiêm phòng vaccine cho người lao động… cũng là những vấn đề doanh nghiệp quan tâm.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine “phủ rộng” cho người lao động, bà Trịnh Thị Ngân cho rằng, doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp sáng tạo để đảm bảo an toàn lao động được duy trì một cách bền vững, huy động lực lượng chuyên trách để định hình, xây dựng, thực hiện và giám sát chiến lược. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đánh giá bốn lĩnh vực sau trước khi đưa lực lượng lao động trở lại làm việc: Sức khỏe và an toàn, loại hình công việc, tài chính (chi phí và doanh thu) và nhu cầu của nhân viên.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank tại Việt Nam cho rằng, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng./..

Nguồn: toquoc.vn

Ứng dụng kiến thức quản trị vào thực tiễn
cùng bộ giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office!

Đăng ký ngay
Zalo phone