Các doanh nghiệp đang bị thiệt hại nặng nề do những tác động của đại dịch Covid-19. Những nhà lãnh đạo cũng phải đối mặt với một số lựa chọn: giảm lương, giảm giờ làm, hoặc sa thải nhân viên. Trong trường hợp bất khả kháng, sa thải nhân viên là biện pháp khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cắt giảm như thế nào để những chính sách đảm bảo vừa hợp tình vừa hợp lý và nhân văn?
Mục lục
Cắt giảm nhân sự – liệu đã cần thiết?
Khi tác động của Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp lên hoạt động và sự sống còn của doanh nghiệp, một sai lầm của các nhà quản lý là thường nghĩ ngay đến việc cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân sự. Hãy nghĩ đến mình còn có thể làm gì khác trong khả năng trước khi nghĩ đến việc cắt giảm nhân sự, đó chính là sự nhân ái tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty.
Đầu tiên, bạn hãy nghĩ đến việc tối ưu chi phí vận hành doanh nghiệp trong các khoản phí vận hành so với số tiền khả năng có thể kiếm được trong mùa dịch và số tiền dự trữ của doanh nghiệp. Bạn cần phải tính toán thật kỹ càng tổng số tiền dự trữ và số tiền doanh nghiệp có thể thu về trong mùa dịch dự kiến là bao nhiêu và xét đến số tiền phải chi trả cho khoản phí vận hành cố định như mặt bằng, hóa đơn, thuế, bảo hiểm, tiền trả lương nhân viên… Đừng quên xét đến các khoản phí hỗ trợ từ chính phủ nếu có, kêu gọi hỗ trợ từ chủ đầu tư, từ các bên cung ứng và chủ cho thuê mặt bằng
Nếu con số phải chi chênh lệch không quá lớn, có thể gọi là tạm dừng ở mức 10-20% thì bạn có thể đưa ra quyết định cắt giảm lương từ cấp lãnh đạo đến người lao động với mức từ 20-50% tùy thuộc vào con số chênh lệch và lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Phương án này có thể tạm thời cứu vãn tình hình hoạt động của doanh nghiệp bạn trong thời gian đầu mà chưa phải đưa ra quyết định loại bỏ một ai khỏi cuộc chiến “sống còn” này. Tuy nhiên, việc cắt giảm phải có sự đồng ý giữa doanh nghiệp và người lao động. Đây cũng là một trong những cách bạn có thể nhận biết được nhân lực nào trung thành và sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên những chặng đường xây dựng công ty.
Một yếu tố khác cũng cần cân nhắc là việc bồi thường hợp đông cho lao động chính thức. Theo Điều 41 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật thì phải bồi thường tổn thất về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Tùy vào từng trường hợp mà mức bồi thường sẽ là khác nhau như: bảo hiểm xã hội – y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc cho người lao động, bồi thường ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Như vậy tính trên các khoản phí phải chi trả khi chấm dứt hợp đồng so với chi phí giữ lại nhân viên trong mùa giãn cách, bạn cần cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra quyết định, khoản chi nào có lợi hơn cho doanh nghiệp trong thời gian này.
Nếu cắt giảm nhân sự thì cắt giảm ai?
Nếu tất cả những nỗ lực vừa duy trì hoạt động cho doanh nghiệp vừa đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động đều không thể cứu vãn được tình hình, hoạt động kinh doanh không đem lại hiệu quả trong tình hình bất ổn định, không có doanh thu, doanh nghiệp liên tiếp phải gồng lỗ để lo các khoản phí vận hành… thì cuối cùng vẫn phải đưa ra quyết định cắt giảm nhân sự.
Trong trường hợp này, bạn cần phải hiểu rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp là bao nhiêu % trong mùa dịch với lĩnh vực của doanh nghiệp bạn. Sau đó, xem xét đến hoạt động của các bộ phận khác nhau là bao nhiêu, cần phải cắt giảm của bộ phận nào trước và bộ phận nào sau.
Ví dụ, bạn kinh doanh một nhà hàng dịch vụ ăn uống hoặc lĩnh vực vui chơi, giải trí như bar… thì 100% công ty của bạn bị tê liệt và mọi bộ phận phải án binh bất động. Bạn buộc phải yêu cầu nhân viên nghỉ làm không lương trong thời gian giãn cách xã hội. Bạn cũng có thể cân nhắc đến việc cắt giảm hoàn toàn nhân sự. Tuy nhiên, sau dịch khi khôi phục hoạt động sẽ lại tốn rất nhiều thời gian và chi phí để tìm những nhân viên phù hợp và bắt kịp với hoạt động kinh doanh/vận hành của mình. Hãy cân nhắc đến chi phí về tuyển dụng, đào tạo, so với khoản chi để giữ người trong thời điểm ngắn hạn hiện tại… Một số gợi ý để giải quyết bài toán giữ chân nhân viên có năng lực tốt bạn có thể thực hiện như:ứng trước lương cơ bản hoặc gửi các phần quà bằng hiện vật như thực phẩm thiết yếu chẳng hạn nhằm hỗ trợ trong mùa dịch.
Nếu bạn kinh doanh một mặt hàng vẫn có thể đem lại một nguồn thu nhất định thì chắc chắn một số bộ phận vẫn phải làm việc để đảm bảo doanh nghiệp vận hành ổn định trong mùa dịch. Tuy nhiên, chi phí là giới hạn, doanh nghiệp chỉ cho phép tập trung vào các nhân sự đem lại kết quả thực tế và bạn vẫn phải quyết định sa thải đối với các trường hợp nhân viên không đem lại giá trị cho công ty, những nhân viên không đảm bảo với cam kết KPI, chỉ tiêu chất lượng, hiệu suất làm việc…
Với những nhân sự bị cắt giảm – nên làm gì?
Trước tiên bạn phải chuẩn bị tinh thần và truyền tải thông điệp này đến với nhân viên như thế nào đây? Điều này sẽ rất khó khăn, không thoải mái đối với cả bạn và nhân viên về cảm xúc lẫn kinh tế. Bạn cần phải làm gì để đảm bảo tính nhân văn trong cách đối phó với nó. Chúng bao gồm:
Đừng làm họ ngạc nhiên: Hãy thông báo trước trong mạng lưới nội bộ công ty rằng bạn đã cố gắng hết sức để không đưa ra quyết định sẽ loại bỏ một ai, nhưng bạn rất tiếc sẽ phải gửi thông báo đến một số trường hợp qua email.
Làm điều đó trực tiếp: Sau khi ra thông báo, hãy trực tiếp liên hệ với nhân viên bị sa thải và trình bày một cách rõ ràng, ngắn gọn tình hình bất khả kháng mà doanh nghiệp đang chịu tác động. Đó chính là lý do chính khi phải đưa ra quyết định đáng buồn dành cho họ. Bạn hãy liệt kê những thủ tục chính cần nhân viên này hoàn tất như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, thanh toán chi phí lương đúng với thời gian và khối lượng công việc của họ. Đặc biệt, bày tỏ mong muốn sau dịch nếu công ty tuyển dụng vị trí tương đương hoặc phù hợp thì cân nhắc đến nhân viên này đầu tiên.
Chính sách hỗ trợ: Khi nhân viên bị sa thải trong mùa dịch đồng nghĩa với việc họ sẽ mất một khoản kinh tế và đứng trước lo lắng về các khoản chi tiêu. Trong trường hợp cả hai bên đều đồng ý với việc chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp cần hỗ trợ các khoản phí như: trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường ít nhất 2 tháng tiền lương cho người lao động. Song song với đó bạn hãy thúc đẩy các thủ tục giúp nhân viên điều hướng hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp. Ít nhất hãy cho họ biết nơi nộp đơn xin trợ cấp.
Món quà tri ân: Để gửi lời cảm ơn sâu sắc và chân thành đến những đóng góp và gắn bó của nhân viên, công ty quyết định gửi tặng một phần quà nhỏ có thể là sản phẩm kinh doanh của công ty, hoặc thực phẩm thiết yếu nhằm xoa dịu sự mất mát và tăng thêm tính nhân văn cho doanh nghiệp của bạn.
Nhiều người sử dụng lao động phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn khi họ thực hiện các bước để vượt qua cơn bão kinh tế do đại dịch mang lại. Thật không may, trong nhiều trường hợp, việc sa thải nhân viên là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, nếu muốn tiếp tục duy trì doanh nghiệp sau dịch, hãy cố duy trì một hình ảnh doanh nghiệp có trước có sau đối với chính những người đã cùng đồng hành với mình.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chính những lúc thế này mới cần bản lĩnh của một nhà lãnh đạo để lèo lái 1 con thuyền, để không chỉ “tồn tại” mà còn luôn giữ gìn hình ảnh của một tổ chức tử tế và nhân văn.