083.483.8888
Đăng ký

Hành trình khởi nghiệp

Ra đời với sứ mệnh tối ưu hoá vận hành cho các doanh nghiệp SMEs, 1Office đã cung cấp cho doanh nghiệp một môi trường làm việc trực tuyến bằng việc số hóa toàn bộ tài nguyên, dữ liệu doanh nghiệp và biến nó thành một khối thống nhất.

Với giải pháp mới và toàn diện như vậy, 1Office đã giúp các nhà lãnh đạo, nhà quản lý tối ưu quản trị khi có thể nắm bắt tiến độ và toàn bộ dữ liệu của doanh nghiệp chỉ qua 1 nền tảng tích hợp duy nhất.

“Khi còn đang học tập tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mình nhận thấy những phần mềm được tiếp xúc trong quá trình học còn sơ sài và nhiều điểm không ổn. Chính tại thời điểm ấy, mình đã nung nấu ý định xây dựng giải pháp giúp doanh nghiệp có thể vận hành tối ưu hơn. Đến năm học thứ 4, mình đi làm tại FPT với mục đích tìm hiểu quy trình sản xuất phần mềm.

Sau đó mình chuyển sang làm dự án đầu tư mạo hiểm của FPT trong 6 tháng. Có thể nói, đây chính là khoảng thời gian mình có cơ hội trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm, xây dựng nền tảng cơ bản nhất, là bước đệm quan trọng trên hành trình khởi nghiệp sau này”, anh Lê Việt Thắng chia sẻ.

Năm 2009, anh Thắng thành lập công ty DOS (Digital Optimization Solution) với mô hình kinh doanh tập trung làm website cho các doanh nghiệp nhưng thất bại. Anh cùng những người đồng sáng lập quyết tâm thành lập OneOffice và ký hợp đồng đầu tiên với Công ty Cổ phần Vật Giá Việt Nam (VNP) vào năm 2012. Đồng hành cùng VNP, OneOffice nhận được sự hỗ trợ về tài chính, chuyên môn khi xây dựng hệ thống quản lý cho khoảng 2.000 nhân sự.

Sau những thuận lợi bước đầu cùng VNP, OneOffice định hướng thương mại hóa sản phẩm theo hình thức bán MaSS (Đại chúng) nhưng nhận lại là sự thất bại bởi đã không tính toán và tìm hiểu kỹ về thị trường và cách tiếp cận chưa phù hợp, quá tự tin vào nội tại công ty.

Đến 2015, anh Thắng thành lập công ty mới mang tên 1Office và thương mại hoá sản phẩm vào 2017 theo hình thức SaaS. Kể từ thời điểm ấy, bình quân mỗi năm 1Office tăng trưởng gấp đôi. 1Office đã có vòng gọi vốn vào 2018 và mới đây cũng gọi vốn thành công vòng series A với định giá công ty lên tới 300 triệu đô la Mỹ.

“Chuyển đổi số” liệu có phải phong trào?

Anh Lê Việt Thắng tin rằng chuyển đổi số không phải phong trào. Chuyển đổi số là một xu hướng. Về bản chất, chuyển đổi số là sử dụng số để chuyển đổi, chứ không phải là chuyển đổi sang số. Rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trên hành trình này chính là “chuyển đổi” tư duy của người lãnh đạo. Có thể nói, chuyển đổi số là cả công cuộc liên tục chuyển đổi về mặt tư duy dựa trên dữ liệu số của doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức làm việc và tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh.

Quá trình này diễn ra với 3 giai đoạn chính: Chuẩn hóa và số hóa dữ liệu (Digitization), chuẩn hóa và số hóa quy trình vận hành (Digitalization), chuyển đổi số toàn diện (Digital Transformation) từ việc căn cứ vào hệ thống báo cáo của doanh nghiệp và đưa ra quyết định cải tiến. Quá trình này diễn ra liên tục, đến một mức nhất định vòng đời ấy sẽ lặp lại và tiếp tục như một chu kỳ. Toàn bộ dữ liệu, objects, metrics được số hóa, khi ấy người lãnh đạo sẽ ra quyết định dựa trên dữ liệu số.

Với anh Lê Việt Thắng, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải áp dụng chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình cần nhiều thời gian và nguồn tài chính đủ lớn. Với nguồn lực và quy mô ở giai đoạn đầu, trước hết các startup cần tập trung “chuyển đổi số phía ngoài” – nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đảm bảo hành trình trải nghiệm của khách hàng thực sự mượt mà. Khởi nghiệp nếu không gắn liền với công nghệ thông tin, không định hướng chuyển đổi số thì việc scale dường như rất khó khăn.

Văn hóa 1Office

Văn hóa của 1Office được mình triển khai áp dụng từ những ngày đầu tiên và có thể được tóm gọn trong 6 vấn đề, cụ thể như sau:

Công việc: Tất cả vì công việc. Làm hết việc, không làm hết giờ.

Sản phẩm: Ám ảnh về sản phẩm. Lúc ăn ngủ ngồi cũng nghĩ về nó.

Đồng nghiệp: Chân thành để thấu hiểu, phản biện để phát triển.

Sếp: Sếp chỉ quản lý về hành chính, trong công việc là ngang hàng

Công ty: Không nhất thiết yêu công ty nhưng hãy yêu công việc bạn làm.

Khách hàng: Dốc lòng với khách hàng, khách hàng dốc ví với mình.

“Stay hungry, stay foolish” trong sản phẩm

“Stay hungry, stay foolish” là câu nói của Steve Jobs mà anh Thắng tâm đắc và thấm thía nhất. Tâm đắc không phải đó là câu nói của người nổi tiếng mà bởi càng trải nghiệm, càng chiêm nghiệm anh càng thấm thía những tầng vỉa sâu sắc phía sau từng câu chữ. Câu nói ấy là kim chỉ nam mình hướng tới xuyên suốt hành trình khởi nghiệp 1Office và áp dụng nó vào quá trình kinh doanh.

Theo định nghĩa phổ thông, “dại khờ” thường được hiểu là ít tri thức, kém hiểu biết và không đủ tỉnh táo. Với anh Thắng, “dại khờ” là khi con người thuần túy, trong sáng nhất, lúc ấy ta sẽ có những suy nghĩ, trí tưởng tượng vượt xa hơn những người bị “vướng quá nhiều bụi trần”.

Trong quá trình phát triển sản phẩm, “foolish” (dại khờ) giúp 1Office có những tính năng hay, sáng tạo và vượt trội. Trong kinh doanh, 1Office luôn cảm thấy “hungry” (đói khát), luôn cảm thấy phải đi “săn” và giữ nhiệt huyết chinh chiến trên thương trường đầy khắc nghiệt.

Thất bại lớn nhất trên hành trình khởi nghiệp

“Sau khoảng thời gian đồng hành cùng VNP, mình và VNP đã “đường ai nấy đi”. Lúc ấy mình gần như trắng tay. Cách duy nhất để tiếp tục là giữ được đội ngũ sáng lập viên. Công ty thất bại kéo theo những gánh nặng tài chính, mình đã vay bố mẹ 500 triệu đồng để chi trả những khoản tiền cần thiết và giữ lại các sáng lập viên của công ty – hiện tại đều là founder của 1Office và rất thành công.

Khi đó, nếu không vay tiền bố mẹ, chắc chắn mình cũng sẽ tìm mọi cách để từng bước tháo gỡ vấn đề của mình. Bản thân mình quan niệm rằng, khi quyết tâm thì sẽ tìm giải pháp, khi không muốn làm thì sẽ tìm lí do. Về vật chất, đó là thất bại lớn nhất”, anh Thắng kể.

Về tinh thần, có những lúc anh ngồi cùng “đứa con tinh thần” mà mất đi mọi cảm giác với nó. Đối với mình, đó là điều đáng sợ nhất. Đứng trước sản phẩm mình tạo ra, anh Thắng dường như bị “trơ” về mặt cảm xúc, không có cảm giác gì để cải tiến sản phẩm. Anh đi làm như một cái máy, rất khó để truyền cảm xúc vào sản phẩm. Trong hơn 10 năm khởi nghiệp, ănh Thắng từng rơi vào trạng thái ấy khoảng 3-4 lần. Trạng thái xúc cảm này rất khó để thoát ra và phải mất một khoảng thời gian nhất định để anh có thể bình tâm và tìm lại “cảm giác” trước đây.

“Với mình, niềm đam mê sản phẩm là quan trọng nhất. Bất cứ khi nào muốn dừng lại, hãy dành một phút để đặt câu hỏi tại sao mình lại bắt đầu, trả lời được câu hỏi đó chính là động lực tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn trong tương lai”, anh Thắng chia sẻ.

Tài chính liệu có phải vấn đề lớn nhất trong khởi nghiệp?

Đến thời điểm hiện tại, tiềm lực tài chính của 1Office khá ổn. Tuy nhiên, khó khăn của một công ty có nguồn tài chính tốt cũng không kém khó khăn của một tổ chức không có tiền, bởi phải tìm cách để sử dụng đồng tiền có hiệu quả và có tăng trưởng. Nhiều bạn cho rằng tài chính là vấn đề lớn nhất trong khởi nghiệp nhưng đối với ănh Thắng, điều này hoàn toàn sai.

Tài chính thực sự là một vấn đề quan trọng và cấp thiết, là “dòng máu” của doanh nghiệp và đôi khi “mất máu cấp” thì sẽ không thể tồn tại. Tuy nhiên, để doanh nghiệp đi xa hơn, không chỉ cần giải quyết bài toán về tài chính mà còn vô vàn khó khăn về những vấn đề khác. Tài chính không phải là vấn đề quan trọng nhất trong khởi nghiệp.

Lời khuyên gửi gắm đến những bạn trẻ

“Đừng ai khuyên ai điều gì cả, mỗi người đều có hệ quy chiếu của riêng mình. Tuy vậy nếu có thể, mình nghĩ rằng mọi người hãy bản lĩnh dấn thân với niềm đam mê của mình và bền bỉ kiên trì theo đuổi đam mê ấy. Chẳng có hành trình nào không trải qua khó khăn thách thức, chặng đường để đạt được ước mơ chẳng bao giờ trải đầy hoa hồng. Đam mê là điều kiện cần nhưng kiên trì mới là điều kiện đủ”, anh Thắng nói.

Anh Thắng nhận thấy ngày nay nhiều bạn trẻ đứng trước quá nhiều lựa chọn, không biết bản thân mình mong muốn điều gì, không có mục tiêu cụ thể, dễ chán nản buông xuôi trước những khó khăn. Hành trình 15 năm khởi nghiệp vừa qua, anh đã ấp ủ niềm đam mê của mình, nỗ lực từng ngày và bền bỉ vượt qua những thách thức.

Anh thường áp dụng “quy tắc 10.000 giờ” được Malcolm Gladwell đề cập tới trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng”. Quy tắc chỉ ra rằng chúng ta phải mất khoảng 10.000 giờ thực hành để trở thành chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu bạn dành đủ thời gian và công sức vào một việc gì đó, bạn có thể đạt được thành công lớn.

“Bởi vậy nếu có thể, mình hy vọng các bạn hãy dành nhiều thời gian hơn để quay về chính mình, thấu hiểu bản thân, lựa chọn một đam mê và kiên trì với nó. Sau này, dẫu có thất bại hay thành công, chúng ta cũng không hối tiếc vì đã làm hết mình, đã trưởng thành và từng bước trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, anh Thắng khẳng định.

Ứng dụng kiến thức quản trị vào thực tiễn
cùng bộ giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office!

Đăng ký ngay
Zalo phone