Hiện nay, doanh nghiệp xã hội (DNXH) đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của kinh tế và xã hội tại Việt Nam. Nếu bạn muốn hoạt động kinh doanh nhằm sử dụng lợi nhuận để phục vụ xã hội, lợi ích cộng đồng hay bảo vệ môi trường, việc thành lập DNXH là điều nên làm ngay. Vậy doanh nghiệp xã hội được thành lập và phát triển với những quyền lợi và trách nghiệm như thế nào? Cần đáp ứng những điều kiện gì để thành lập DNXH? Hãy cùng 1Office tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên qua bài viết sau đây nhé!
Mục lục
1. Doanh nghiệp xã hội là gì?
Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, với mục đích chính là giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ lợi ích công cộng và bảo vệ môi trường. Phần lớn lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này được sử dụng để thực hiện các mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường và lợi ích cộng đồng.
DNXH được xem như là một sự “lai tạo” giữa doanh nghiệp thông thường và các tổ chức từ thiện. Trong khi các doanh nghiệp truyền thống hoạt động với mục đích chính là tối đa hóa lợi nhuận tài chính, các tổ chức phi chính phủ được thiết lập nhằm mục đích duy nhất là theo đuổi lợi ích xã hội. Do đó, DNXH có sự kết hợp hài hòa về cả hình thức và nội dung giữa hai loại chủ thể này, với việc kinh doanh là hoạt động chính nhưng không phải vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, mà nhằm giải quyết các vấn đề xã hội cụ thể.
2. Tiêu chí định danh doanh nghiệp xã hội
Theo Quy định của Luật doanh nghiệp 2020 tại khoản 1 Điều 10, các tiêu chí mà một DNXH cần phải đáp ứng bao gồm:
- Thực hiện các thủ tục đăng ký thành lập theo đúng quy định của Luật doanh nghiệp.
- Mục tiêu chính của hoạt động kinh doanh là giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường và phục vụ lợi ích cộng đồng.
- Tối thiểu 51% tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm của doanh nghiệp phải được sử dụng để tái đầu tư vào các mục tiêu đã đăng ký.
3. Phân loại doanh nghiệp xã hội
Nhìn chung, DNXH được chia thành 3 loại sau:
- Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận
- Doanh nghiệp xã hội thu lợi nhuận
- Doanh nghiệp xã hội hỗn hợp
DNXH phi lợi nhuận bao gồm các tổ chức, nhóm tình nguyện, các trung tâm, hiệp hội chăm sóc người khuyết tật, người sống chung với HIV/AIDS, và nhiều tổ chức khác.
DNXH thu lợi nhuận là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh để kiếm tiền nhưng không chú trọng vào vấn đề tài chính hoặc bị kiểm soát bởi mục tiêu lợi nhuận. Thay vào đó, họ tập trung vào các dự án liên quan đến môi trường, cộng đồng và xã hội. Phần lớn lợi nhuận của họ được sử dụng để hỗ trợ hoặc tái đầu tư vào các hoạt động này.
DNXH hỗn hợp là những doanh nghiệp được thành lập bởi cá nhân hoặc tổ chức kết hợp giữa mục tiêu kinh tế và xã hội. Thường thì những doanh nghiệp này hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH. Lợi nhuận thu được chủ yếu được sử dụng để tái đầu tư hoặc mở rộng phát triển xã hội.
4. Quyền & nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Theo Khoản 2 Điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2020, ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của luật, DNXH còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Chủ DNXH được xem xét, tạo điều kiện thuận lợi và được hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật.
- DNXH được phép huy động và nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và hoạt động của doanh nghiệp.
- Phải duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c Khoản 1 Điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2020 trong suốt quá trình hoạt động.
- Các khoản tài trợ huy động được chỉ được sử dụng để bù đắp chi phí quản lý và hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký, không được sử dụng cho các mục đích khác.
- Trong trường hợp nhận các ưu đãi, hỗ trợ, DNXH phải định kỳ hằng năm báo cáo về tình hình hoạt động của mình cho cơ quan có thẩm quyền.
- Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển của DNXH.
Chú ý: DNXH cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi quyết định dừng thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c của Khoản 1 Điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2020.
5. Thủ tục thành lập doanh nghiệp xã hội
5.1 Bước 1: Chuẩn bị thông tin quan trọng cần thiết
Trước khi tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, chủ đầu tư cần chuẩn bị các thông tin quan trọng liên quan. Những thông tin này phải tuân thủ quy định của pháp luật và phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp, bao gồm tên doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện pháp lý, và loại hình doanh nghiệp.
5.2 Bước 2: Soạn thảo hồ sơ đăng ký thành lập DNXH
Bước quan trọng tiếp theo là soạn thảo hồ sơ cần thiết để đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ phải được soạn thảo đầy đủ, chứa đựng các thông tin và tài liệu cần thiết để thực hiện thủ tục một cách hợp lệ. Đây là bước then chốt quyết định việc thực hiện thủ tục đúng quy định và một cách suôn sẻ.
5.3 Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký DNXH
Hồ sơ sau khi soạn thảo sẽ được nộp tại Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tại địa chỉ trụ sở chính của DNXH. Trong thời gian từ 3 đến 6 ngày làm việc, doanh nghiệp sẽ nhận được giấy phép đăng ký doanh nghiệp nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Trường hợp không hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng yêu cầu chỉnh sửa hoặc bổ sung.
5.4 Bước 4: Tiến hành các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp
Sau khi nhận được giấy phép doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần tiến hành các thủ tục sau đây:
- Công bố thông tin DNXH trên cổng thông tin điện tử quốc gia.
- Khắc dấu và thông báo mẫu dấu cho doanh nghiệp.
- Đăng ký và treo bảng hiệu tại địa chỉ trụ sở chính.
- Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp và thông báo số tài khoản cho Phòng Đăng ký Kinh doanh.
- Thực hiện các nghĩa vụ kê khai và nộp các loại thuế doanh nghiệp.
- Thực hiện các công việc và thủ tục khác theo quy định.
5.5 Bước 5: Hoàn thành các điều kiện khác liên quan
Mỗi ngành nghề kinh doanh có những điều kiện riêng cần đáp ứng. Để hoạt động hợp lệ, DNXH cần hoàn thiện các điều kiện này.
6. Hồ sơ cần chuẩn bị khi đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội
- Văn bản yêu cầu đăng ký thành lập DNXH.
- Biên bản trình bày điều lệ của DNXH.
- Danh sách chi tiết các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của doanh nghiệp.
- Văn bản cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng.
- Quyết định thông qua nội dung cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng đã được ký bởi doanh nghiệp.
- Bản sao hợp lệ của biên bản cuộc họp chứng minh việc thông qua nội dung cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, bảo vệ môi trường và lợi ích của cộng đồng của doanh nghiệp (tùy theo loại hình doanh nghiệp).
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ nếu người đó không phải là đại diện pháp lý của doanh nghiệp.
- Bản sao hợp lệ của giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông, người đại diện theo pháp luật và người đại diện được ủy quyền của doanh nghiệp để nộp hồ sơ.
7. Kết
Tóm lại, doanh nghiệp xã hội sử dụng cách tiếp cận kinh doanh để giải quyết các vấn đề xã hội mà họ đã nhận thức được. Các vấn đề xã hội đóng vai trò là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm và lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Hy vọng các thông tin 1Office chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp được các thắc mắc và hiểu đúng về doanh nghiệp xã hội.