Chúng ta đã từng bàn rất nhiều những câu chuyện khác nhau về bí quyết để thành công trong công việc như vấn đề năng suất, hiệu quả làm việc, lộ trình thăng tiến, văn hoá công ty và đồng nghiệp. Nhưng chắc hẳn số ít trong các bạn thử tìm hiểu đôi chút về những chủ đề mới ở một khía cạnh tâm lý – sợ hãi hay lo lắng thường xuất hiện ở môi trường công sở, công ty.
Các chuyên gia tâm lý và tư vấn nghề nghiệp đồng ý rằng có khoảng 20 loại cảm xúc lo âu khác nhau của mỗi người nhân viên công sở. Ngay cả đối với những người mạnh mẽ và bản lĩnh, những nỗi sợ này có thể ập đến lúc nào không hay.
Mục lục
Sợ gặp sếp lớn
Đây là một trong những nỗi sợ rất trẻ con nhưng lại phổ biến khi mà ai cũng từng gặp phải một lần trong đời đó là việc sợ giáp mặt với những người có vị trí cao trong công ty, Ban lãnh đạo, Giám đốc, CEO … Không chỉ sợ khi tham gia các buổi họp có sếp, mà còn rất nhiều người luôn né tránh khi ở bãi giữ xe, quầy lễ tân hoặc đơn giản là vào cantin lấy nước uống chỉ vì biết ở đó có sếp lớn.
Nhịp tim đột ngột tăng, chân tay lúng túng, ánh mắt luôn né tránh là những hành động cụ thể nhất được bộc lộ khi chẳng may một mình vào thang máy hay đi dọc hành lang cùng với sếp. Hàng vạn câu hỏi trong đầu bật ra: Có nên chào hỏi sếp không nhỉ?, Sếp có biết mình là ai không nhỉ?, Thôi chết rồi, nay lại đi làm muộn …
Các nhà tâm lý giải thích rằng, đây là do tác động tâm lý, bản thân muốn thể hiện năng lực đồng thời muốn giữ hình tượng và bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của mình trong mắt người “nắm quyền” về công việc và thu nhập của mình.
Thay vì lo lắng và né tránh, thì bạn nên dành thời gian để nâng cao năng lức và sức mạnh thự sự của bản thân để những lần tiếp theo để có thể tự tin mặt đối mặt với sếp.
Sợ đưa ra những phản hồi
Nỗi sợ này rất phổ biến. Nguyên nhân là do nhiều người ngại va chạm, sợ bị người khác ghét, không muốn làm phật lòng người khác. Tuy nhiên, việc sự thật bị che lấp, phớt lờ còn tổn hại gấp mấy lần sự tổn thương ấy. Một môi trường phát triển lành mạnh không phải là nơi mà những câu chuyện vui, những lần khen ngợi cho đẹp lòng nhau rồi bỏ qua những sai sót cần sửa chữa. Nếu kéo dài, việc không góp ý, thiếu tính đa chiều, phản hồi khách quan sẽ kéo theo việc giảm đi hiệu suất của một tập thể.
Vì thế, dù là nhân viên muốn góp ý cho cấp trên hay là sếp cần nhận xét cho cấp dưới thì bạn vẫn cần có can đảm và niềm tien rằng mình đang làm đúng. Nếu biết phản hồi đúng cách, đúng thời điểm với một thái độ lịch sự và tôn trường người đối diện thì không có gì là sai trái và sợ người khác tổn thương cả.
Sợ quên
Bạn đã từng có nỗi lo là hình như hôm nay mình quên làm gì đó, bạn luôn rơi vào tình trạng bối rối vì không thể nhớ tên được tất cả mọi người
Có rất nhiều nỗi lo lắng tương tự thế xảy ra mỗi ngày đối với bạn, với một lịch trình kín mít, phải liên tục họp hành làm việc, tần suất nhận điện thoại, trả lời email mỗi ngày lại càng dày đặc hơn nhiều, nên luôn bj kẹt với tráng thái lo âu về khả năng ghi nhớ, luôn thấy bất lực với những áp lực tiếp thu thông tin. Thay vì cứ lo lắng, hãy thực hành các phương pháp khoa học giúp tăng khả năng tập trung vào mục tiêu, luyện trí nhớ, kĩ năng sắp xếp và làm việc có kế hoạch.
Sợ đứng trước đám đông
Nhà tâm lý trị liệu và đồng tác giả của quyển sách “Work Makes Me Nervous”, Jonathan đã chia sẻ rằng có gần 20% dân văn phòng mắc phải hội chứng sợ nói trước đám đông. Hành động này bao gồm việc thuyết trình trong hội thảo, bày tỏ quan điểm, phát biểu ý kiến trong các buổi họp. Bên cạnh đó, còn co cả trường hợp nhân viên sợ đến mức không chịu đứng một mình trước đám đông dù đó là khách hàng, đối tảc và ngay cả đồng nghiệp.
Từ nỗi lo mình không thể nói chuyện, trình bày lưu loát, trôi chảy và không thể diễn đạt được hết ý của mình sẽ dẫn đến cảm giác hoảng sợ rằng người khác đánh giá mình kém cỏi. Hãy rèn luyện kĩ năng thuyết trình, hùng biện trước đám đông. Tập nói một mình, sau đó hãy thử đứng trước một nhóm đông hơn. Sau này bạn sẽ biết răng xuất hiện trước đám đông không hề đáng sợ chút nào.
Sợ giao tiếp
Có phần nào đó chung nguồn gốc với nỗi sợ đám đông, hoặc do tính cách cá nhân hướng nội, sợ giao tiếp biểu hiện qua việc bạn có xu hướng né tránh tham gia các sự kiện, hoạt động team building, trò chơi tập thể, chương trình ngoại khoá của công ty đồng thời ngại trao đổi thông tin và hầu như không dám bắt đầu những cuộc trò chuyện nhỏ với người lạ.
Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống, nó thậm chí được xem là một kỹ năng thiết yếu của mọi người đi làm. Thế nên nếu bạn có chứng sợ giao tiếp, hãy ngay lập tức tìm cách khắc phục. Bạn không có duyên ăn nói hoặc trò chuyện chưa được thu hút vẫn không có gì đáng xấu hổ, chúng ta có thể hoàn thiện dần mỗi ngày. Việc bạn sợ nói dở mà không chịu giao tiếp mới gây nên nhiều hậu quả khó lường.
Sợ đặt câu hỏi
Hầu hết mọi người đều có quan điểm sai lầm rằng, nếu mình thường xuyên đặt câu hỏi thì sẽ bị xem là thiếu hiểu biết. Bạn nên biết rằng, dù tài giỏi đến mấy, không ai có thể biết tất cả mọi thứ. Mỗi người sẽ có một thế mạnh, một chuyên môn riêng vượt trội, bạn cần phải hỏi để tiếp thu những kiến thức mới. Không dám hỏi, không dám thắc mắc nghĩa là bạn đã tự tước đi cơ hội mở rộng tầm nhìn, bạn sẽ không thể nào cải thiện và phát triển bản thân lên một tầm cao mới.
Người biết đặt câu hỏi hợp lí, đúng lúc chưa bao giờ bị đánh giá thấp cả. Hãy cố gắng gạt đi nỗi sợ, để học hỏi nhiều hơn, đừng hỏi vô tội vạ và suy nghĩ thấu đáo trước khi hỏi để tránh đặt ra những thắc mắc ngớ ngẩn hay vô nghĩa.
Đây là một số nỗi sợ mà rất nhiều người đi làm từng trải qua. Mặc dù mỗi nỗi sợ sẽ có những biểu hiện và tác động khác nhau, nhưng có thể nói rằng nó đều xuất phát từ trở ngại tâm lý. Điểm chung trong tất cả những nỗi sợ này là chúng ta chưa đạt được trạng thái tự tin, thường hay bị tác động bởi những gì người khác nghĩ về mình mà đâm lo lắng.
Điều tích cực khi biết sợ nghĩa là bạn có nhận thức và mối quan tâm, nó báo trước khả năng chúng ta muốn được thay đổi và phát triển tốt hơn.