“Chuyển đổi số” có thể là cụm từ không mới, thậm chí nhàm chán, nhưng với những người trong cuộc thì là một bài toán không hề đơn giản, và thực sự cấp thiết. Dù đối mặt với nhiều rủi ro trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đợt 3, chia sẻ với chúng tôi, nhiều đơn vị khẳng định sẽ tái khởi động hệ thống ứng phó một cách nhanh chóng.
Chuyển đổi số có lẽ là “key word” nghe nhiều những năm trở lại đây, đặc biệt năm 2020 trước những biến động lớn từ dịch Covid-19 đến thiên tai, rộng hơn là những thay đổi thể chế, chính trị và thương mại trên trường quốc tế. Trong cuộc cách mạng 4.0 ấy, công nghệ đang dần len lỏi vào mọi khía cạnh cuộc sống, từ sinh hoạt, thói quen tiêu dùng, giải trí đến những dịch vụ tiện ích, sức khoẻ… Đặc biệt, nền kinh tế số liên tục được nhấn mạnh tại các đàm thoại, hội thảo từ đầu năm đến nay. Chịu áp lực và ngày càng thấm đòn bởi Covid-19, doanh nghiệp đang phải chạy đua chuyển đổi mô hình hoạt động, sản xuất để có thể quy tụ thông tin về một mối, từ đó kiểm soát, đưa ra quyết định nhanh chóng cũng như tăng hiệu suất hoạt động.
Trước nguy cơ bùng phát đợt 3 của dịch bệnh, hơn hết xảy ra tại Tp.HCM – nơi được coi là đầu tàu kinh tế Việt Nam với hàng trăm hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ hoạt động, chuyển đổi số chưa bao giờ cấp thiết hơn! Khi mà, thực tế quy trình tại nhiều đơn vị, chủ yếu là nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, còn khá thủ công, rời rạc. Theo đó, dù tư duy đã nhận thức rõ phải chuyển đổi số, tuy nhiên công cuộc thực hiện vẫn còn nhiều thách thức và cần thêm thời gian.
Thực trạng nhiều doanh nghiệp chưa có quy trình cụ thể, nếu có cũng rất thủ công!
Nói sâu hơn về điều này, trong hội thảo mới đây, đại diện 1Office phân trần: “Doanh nghiệp đôi khi chưa có quy trình cụ thể, vẫn hoạt động theo cách thủ công, không đo đạc để xem hiệu quả. Ngoài ra, với doanh nghiệp có quy trình thì lại chỉ đơn giản trên giấy, thực hiện cách không hiệu quả, và không có số liệu để đo đạc về tính ứng dụng và hiệu quả của quy trình. Hậu quả là, doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí trong công tác vận hành, không đo đạc được đúng các chỉ số để biết cái thiện, tinh chỉnh ở đâu”.
Là nền tảng cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp, 1Office cho biết chủ yếu các vấn đề về quy trình tập trung tại nhóm SMEs với số lượng nhân sự dưới 300 người. Theo đó, khi chịu ảnh hưởng Covid-19 ngay lập tức chỉ số kinh doanh giảm, tron khi không có số liệu để phân tích dẫn tới không đưa ra được quyết định chính xác, tệ hơn nhiều đơn vị phải giải thể. Như vậy, doanh nghiệp cần số hóa dữ liệu, chuẩn hóa được môi trường và quy trình làm việc, từ đó tối ưu chi phí vận hành (~15-20%) và tăng hiệu suất công việc (>30%), vị này nhấn mạnh.
Khi mọi thứ chuyển đổi số, chính bản thân buộc phải dịch chuyển bất kỳ cách nào!
Shark Nguyễn Mạnh Dũng.
Hay theo quan điểm Shark Nguyễn Mạnh Dũng – Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures: “Tôi nghĩ trong bất kỳ doanh nghiệp nào, linh hoạt vẫn là yếu tố tối thượng. Mình phải thay đổi theo sự thay đổi của môi trường, khi mọi thứ phải chuyển đổi số thì mình buộc phải một cách nào đó dịch chuyển“.
Ví dụ, thay vì xây dựng một nền tảng bán hàng thì lên các nền tảng xem kênh bán hàng đấy mình có thể khai thác theo các khách hàng đang có sẵn trên đó không? Hay thay vì phát triển một hệ thống quản lý nào đó phức tạp quá, có thể mua một hệ thống quản lý có sẵn bây giờ khá rẻ…, Shark Dũng chia sẻ.
“Chuyện ngay cả rất nhiều các công ty truyền thống họ cũng đang kiếm, tận dụng rất tốt sự dịch chuyển số. Họ có thể bán hàng xuyên biên giới trên các nền tảng như Amazon… hoặc có rất nhiều bạn trẻ bây giờ ở Việt Nam họ đang tận dụng tốt các nền tảng như là Facebook để bán hàng từ Việt Nam. Tôi nghĩ không phải bất kỳ một công ty truyền thống hay một công ty làm trong lĩnh vực công nghệ, mọi người đang phải thay đổi theo sự thay đổi của thời cuộc“, vị này nhấn mạnh.
Phấn đấu đến năm 2030 kinh tế số chiếm 40% theo GRDP
Hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Tp.HCM cũng đã sớm lên kế hoạch thúc đẩy địa phương trong chiến lược mới. Năm 2020, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Tp.HCM với tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2025 GRDP hàng năm phải tăng khoảng 8%, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. Đặc biệt, kinh tế số đóng góp 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 theo GRDP.
Trong nền kinh tế số ấy, không thể không nhắc đến việc thanh toán số, và thực tế cũng đang cho thấy sự chuyển dịch rõ nét trước việc mua hàng trực tuyến tăng đột biến, người tiêu dùng ưu tiên hình thức không tiền mặt, hàng loạt doanh nghiệp đưa việc phát triển kênh TMĐT là chiến lược trọng tâm từ năm 2020.
“Nói về bản chất của trung gian thanh toán, mô hình này được định hình với vai trò là cầu nối giữa ngân hàng, người tiêu dùng và hệ thống kinh tế, đặc biệt là các hệ thống bán lẻ. Với vai trò này, các trung gian thanh toán phải giải được bài toán làm sao để vừa trở thành cánh tay nối dài của ngân hàng, vừa đồng thời tạo ra tiện ích cho người dùng và đa dạng hóa hệ thống dịch vụ để thúc đẩy sự luân chuyển dòng tiền vốn nhàn rỗi, hoặc đơn giản hóa quy trình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tài chính của người dân“, ông Trần Đại Long – đại diện Moca cho hay.
Moca được biết đến là một siêu ứng dụng trong hệ sinh thái Grab. Tham gia chia sẻ cùng công cuộc chuyển đổi số, đại diện ví điện tử này cũng nhận định vấn đề trọng yếu đối với trung gian thanh toán chính là đổi mới dịch vụ, đổi mới tư duy của người dân trong việc sử dụng các công cụ thanh toán. Thay vì chỉ hỗ trợ thực hiện thanh toán để phục vụ nhu cầu chi tiêu thuận tiện cơ bản, trung gian thanh toán còn phải tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhiều hơn nữa các nhu cầu của người dân, ví dụ như nhu cầu về tiếp cận chiến lược tài chính, cụ thể hóa điểm tín dụng…
Tựu chung, “chuyển đổi số” có thể là cụm từ không mới, thậm chí nhàm chán, nhưng với những người trong cuộc thì là một bài toán không hề đơn giản, và thực sự cấp thiết. Dù đối mặt với nhiều rủi ro trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 đợt 3, chia sẻ với chúng tôi, nhiều đơn vị khẳng định sẽ tái khởi động hệ thống ứng phó một cách nhanh chóng. Cùng với đó, mảng trực tuyến đã, đang và tiếp tục được triển khai mạnh, kỳ vọng sẽ sớm triển khai hướng đến sự phát triển bền vững hơn, giữa thời kỳ nhiều biến động hơn!
Nguồn: http://cafef.vn