Trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường hay mở rộng tệp khách hàng, 4P trong Marketing giữ vai trò nhất định trong việc giúp nhà quản trị triển khai các chiến lược marketing hiệu quả. Thế 4P trong Marketing là gì và được ứng dụng như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Khái niệm 4P trong Marketing
Trong Marketing, 4 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả các chiến dịch marketing trong doanh nghiệp bao gồm: Product (Sản phẩm) – Price (Giá cả) – Place (Địa điểm) và cuối cùng là Promotion (Quảng bá). Đây được gọi là “4P trong Marketing” – Mô hình marketing cơ bản hay có tên khác là Marketing Mix. Đội ngũ Marketing luôn phải đặt 4 yếu tố này lên đầu khi triển khai các chiến lược phát triển Marketing khi cần thiết.
4P trong Marketing cụ thể là:
– Product (Sản phẩm hay dịch vụ): Yếu tố này nhấn mạnh Bạn đang bán cái gì? Hiểu rõ về sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp đang bán chính là điều cơ bản nhất để lên kế hoạch marketing sản phẩm. Khi không hiểu bản chất sản phẩm như tính năng, thông số, lợi ích, vai trò hoặc thị trường sản phẩm thì không thể quảng cáo sản phẩm một cách hiệu quả hoặc có thể ngược lại – phản ánh sai bản chất sản phẩm. Sản phẩm hay dịch vụ chất lượng chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc quảng bá sản phẩm tới khách hàng.
– Price (Giá cả): Giá cả luôn là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm này sẽ có giá là bao nhiêu? Mức giá này cao hay thấp so với sản phẩm cùng phân khúc. Với mức giá đó thì đối tượng khách hàng sẽ là ai ? Việc xác định giá của sản phẩm quan trọng trong việc định giá thương hiệu trên thị trường (với các mặt hàng cao cấp) hoặc phủ sóng sản phẩm với mọi đối tượng khách hàng đều có thể sử dụng (với mặt hàng phổ thông).
– Place (Địa điểm phân phối): Yếu tố này trả lời cho câu hỏi Khách hàng sẽ mua sản phẩm của bạn ở đâu? Có 2 kênh phân phối là phân phối trực tiếp và gián tiếp. Ở phân phối trực tiếp, nhà sản xuất bán hàng trực tiếp cho khách hàng qua website doanh nghiệp, cửa hàng và không qua bên trung gian. Phân phối gián tiếp là nhà sản xuất bán qua các bên trung gian, sàn thương mại điện tử. Ví dụ như khi mua sách của nhà xuất bản Nhã Nam, người mua có thể mua trực tiếp qua cửa hàng của Nhã Nam hoặc gián tiếp trên các trang thương mại điện tử như Tiki hay Shopee.
– Promotion (Quảng bá sản phẩm): Đây được coi là phương thức quảng bá, tiếp thị của doanh nghiệp. Hiện nay phổ biến các hình thức tiếp cận khách hàng như Quảng cáo (truyền hình, báo đài, internet, chạy Google ads, Facebook Ads); Tiếp thị (giới thiệu sản phẩm ở các trung tâm thương mại, gửi catalog cho khách hàng, gửi sample sản phẩm dùng thử hoăc mời sử dụng dịch vụ miễn phí); quan hệ công chúng (họp báo, triển lãm, tổ chức sự kiện, tham gia hội chợ,…). Tùy vào từng sản phẩm hay mục tiêu ngắn hạn dài hạn sẽ có các cách quảng bá sản phẩm khác nhau.
2. Vai trò của 4P trong Marketing
Khi áp dụng 4P trong Marketing vào việc xây dựng các chiến lược marketing sản phẩm, điều này sẽ tạo ra những “cú hích” quan trọng cho doanh nghiệp như:
- Thúc đẩy tạo thêm các sản phẩm chất lượng: Trong quá trình tìm hiểu thị trường, tìm hiểu xu hướng, đối thủ cạnh tranh cũng như nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp, các nhà sản xuất sẽ có những yêu cầu riêng cho sản phẩm của mình. Đâu sẽ là yếu tố gây ấn tượng với khách hàng hoặc phải làm sao để sản phẩm được đón nhận. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất luôn tìm kiếm, nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm chất lượng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ai cũng hiểu 4P trong Marketing thì yếu tố Sản phẩm (Product) luôn là quan trọng nhất nhì, yếu tố cốt lõi.
- Nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp: Các doanh nghiệp càng chú trọng vào marketing khi quảng cáo sản phẩm càng thể hiện sự đầu tư chỉn chu và kỳ vọng của doanh nghiệp vào sản phẩm đó. Điều này góp phần nâng cao giá trị doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu của sản phẩm tới khách hàng, thúc đẩy doanh số. Ví dụ như trong chiến dịch quảng cáo sản phẩm Viettel Pay, Viettel đã hợp tác cùng rapper Đen Vâu – đây là một chiến dịch có tính viral cao và phủ sóng được sản phẩm tới người tiêu dùng.
- Tạo môi trường cạnh tranh công bằng: Khi nghiên cứu 4P trong Marketing, doanh nghiệp sẽ nhận thấy vai trò của từng yếu tố nhỏ từ sản phẩm – giá cả – phân phối – quảng bá là như nhau. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tập trung xây dựng chiến lược marketing hiệu quả. Doanh nghiệp nào cũng có cơ hội cạnh tranh ngang nhau trong môi trường hiện nay qua việc đầu tư vào nghiên cứu sản phẩm chất lượng đưa ra thị trường.
3. Ứng dụng 4P với những chiến lược hiệu quả dành cho doanh nghiệp
Ứng dụng 4P trong Marketing ra thực tế doanh nghiệp luôn cần nhiều thời gian để tìm hiểu và triển khai. Bởi vì từ lý thuyết ra thực tế luôn là những bài toán khó, theo đó cần những người đứng đầu doanh nghiệp, đội ngũ marketing cần học hỏi, tìm hiểu để áp dụng cho doanh nghiệp mình. Các chỉ số đo lường hiệu quả Marketing đã chỉ ra rằng khi xây dựng một chiến lược marketing hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp thu lợi được cả về doanh thu lẫn danh tiếng thương hiệu. Tùy vào từng yếu tố riêng như Giá cả – Sản phẩm hay Địa điểm/ Quảng cáo mà các doanh nghiệp sẽ xây dựng chiến lược marketing khác nhau như:
- Chiến lược về sản phẩm: Với sản phẩm của doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ tìm hiểu đâu là ưu điểm của mình so với sản phẩm đối thủ để phát huy thế mạnh sản phẩm hoặc tìm ra định hướng phát triển tạo ấn tượng cho khách hàng. Ví dụ như mỹ phẩm Hàn Quốc vốn nổi tiếng với mẫu mã bao bì sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Đây cũng là một trong những điểm nhấn cho khách hàng khi mua các sản phẩm Hàn Quốc.
- Chiến lược về giá sản phẩm: Đây là chiến lược với ý nghĩa vạch ra các phương hướng về giá sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng, nó có thể bao gồm giá xâm nhập thị trường (giá nhỏ để thu hút tập khách hàng); hớt váng sữa (giá cao nhất để thu lại lợi nhuận ban đầu cao nhất, sau đó hạ dần); chiến lược giá combo (mua 2 sản phẩm cùng trong 1 combo với mức giá rẻ hơn so với mua lẻ) hay chiến lược giá tặng kèm (mua sản phẩm giá trị cao được kèm theo ưu đãi mua sản phẩm khác với mức giá rẻ hơn),… Các chiến lược về giá sản phẩm khi áp dụng 4P trong Marketing cần linh hoạt và áp dụng đa dạng trong từng lĩnh vực.
- Chiến lược phân phối sản phẩm: Mục tiêu của các chiến lược phân phối sản phẩm là tìm cách đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp sẽ tìm hiểu các kênh nào đang phổ biến và có độ phủ sóng khách hàng cao để đầu tư đưa sản phẩm đến đó. Ví dụ như mở rộng thêm cửa hàng (sẽ cân nhắc đến các yếu tố tệp khách hàng ở đó, tình hình dân cư, sức mua hàng, an ninh,…) – đây là kênh phân phối trực tiếp. Nhìn thấy một ví dụ điển hình là các cửa hàng quần áo cho giới trẻ hay tập trung quanh các trường Đại học là một ví dụ. Hoặc như bán hàng gián tiếp qua các website thương mại điện điện tử như ví dụ đã nêu ở trên. Ngoài ra còn có phân phối chuyên sâu/ độc quyền,…
- Chiến lược quảng bá sản phẩm: Chiến lược quảng cáo là các hành động giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu giới thiệu sản phẩm của mình tới công chúng thông qua các kênh tiếp thị hiệu quả được lựa chọn như chạy quảng cáo trên internet, trên sóng truyền hình, radio hay hợp tác tổ chức sự kiện, thông cáo báo chí,… Với các loại sản phẩm sẽ có những cách quảng bá khác nhau tùy với từng tệp khách hàng. Để ý sẽ thấy mỹ phẩm sẽ hay được tặng sample, hàng dùng thử, gửi catalog; ra mắt sản phẩm âm nhạc, phim ảnh thì các nhà sản xuất sẽ tổ chức họp báo, event; các hãng quần áo chạy quảng cáo trên Facebook hay Instagram. Hiện nay marketing automation hay còn gọi là tự động hóa tiếp thị cũng được áp dụng nhiều trong các doanh nghiệp khi bán hàng B2C hay B2B.
Tổng kết lại, 4P trong Marketing chính là chìa khóa cho những ai làm marketing tìm hiểu thị trường, xây dựng plan marketing hiệu quả. Nếu không hiểu rõ về hàng hóa – giá cả – địa điểm phân phối hay cách thức quảng cáo, bạn rất dễ gặp những khó khăn trong khi định hướng Marketing và thu lại kết quả không như mong muốn. Hiện nay trong quá trình chuyển đổi số, các phần mềm quản lý marketing cũng được phát triển nhằm giúp các doanh nghiệp tổng kết thông tin thu được qua quá trình xâm nhập nghiên cứu thị trường, tiếp xúc khách hàng giúp xây dựng kế hoạch marketing hiệu quả. Qua bài viết trên đây, 1Office hy vọng đã mang đến cho người đọc những thông tin bổ ích về Marketing để làm việc hiệu quả.