Nếu đang cảm thấy ý tưởng kinh doanh của mình sắp sửa “xếp xó” vì không tìm được nhà đầu tư, bạn không cô đơn đâu, vì phần lớn người khởi nghiệp đều trải qua tình trạng như vậy. Dưới đây là 7 câu chuyện kêu gọi vốn thành công bằng những cách không giống ai của startup. Cùng 1Office khám phá nhé!
Mục lục
1. Tìm kiếm tài trợ từ nước ngoài
Trong quá trình xây dựng The Zebra – một công ty cung cấp website tìm kiếm và so sánh bảo hiểm xe hơi có trụ sở tại Austin, Texas – Adam Lyons cho rằng, cần phải tìm kiếm một mô hình kinh doanh tương tự, đã được phát triển thành công ở nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm. Cuối cùng, Lyons đã tìm thấy Moneysupermarket.com và nhà sáng lập của nó – tỷ phú người Anh Simon Nixon. Gửi email đề xuất trở thành đối tác của Nixon tại Hoa Kỳ, Lyons may mắn nhận được cái gật đầu từ vị tỷ phú.
“Không phải ai cũng nghĩ đến việc tìm kiếm nhà đầu tư đã có kinh nghiệm với các mô hình kinh doanh tương tự ở các thị trường mới nổi khác. Thế nhưng, với chúng tôi mà nói, những gì thu được từ hành động còn hơn cả lợi ích”, Lyons chia sẻ.
2. Tận dụng những gì có sẵn
Đầu những năm 1970, EJ Jackson khi đó đang là một thám tử tư muốn vay vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, song đều bị các ngân hàng từ chối. Trong “cái khó ló cái khôn”, Jackson thay đổi cách tiếp cận, xin vay tiền để mua xe hơi: một chiếc Lincoln 1975 và một chiếc Cadillac 1975. Sử dụng 2 chiếc xe này, Jackson đã ra mắt dịch vụ chở khách mang tên Jackson Limo Service vào năm 1977.
Với trụ sở tại Los Angeles, đến nay, công ty của Jackson đã có tới hàng trăm tài xế chuyên chở hành khách tại một trong những khu vực tập trung nhiều người nổi tiếng nhất nước Mỹ. “Đôi khi, bạn phải tận dụng những gì mình có và tạo ra một thứ gì đó từ nó. Hãy tự mình viết nên trang sử mới”, Jackson chia sẻ.
3. Đối tác quảng cáo cũng có thể là nhà đầu tư
Darin Alpert là người đầu tiên tham gia vào dự án Find Me Gluten Free, mà sau này đã phát triển thành đơn vị cung cấp công cụ tìm kiếm các địa điểm bán thức ăn không chứa gluten. Sau đó, Alpert cùng cả nhóm đã thuyết phục chuỗi nhà hàng Naked Pizza của tỷ phú Mark Cuban làm đối tác quảng cáo, để rồi tiếp tục kêu gọi vị doanh nhân này đầu tư cho dự án.
“Cả hai thoả thuận đều được trao đổi qua email, đi kèm một cuộc điện thoại dài 20 phút. Chẳng mấy chốc, lượng người dùng đã lên đến 2 triệu, và chúng tôi đã bán công ty với mức giá hời vào tháng 7/2013,” Alpert cho biết.
4. Kêu gọi vốn tại sân chơi trẻ em
Abbie Schiller và Samantha Kurtzman-Counter dự định sẽ thành lập một công ty truyền thông dành cho trẻ em. Do hay lui tới các sân chơi trẻ em, cả hai thường để con vui đùa cùng những đứa trẻ khác trong khi tranh thủ tiếp cận với các bậc phụ huynh để nhờ họ góp ý cho sản phẩm của mình. Những cuộc lấy ý kiến khách hàng không chính thức này đã giúp cả hai gây ấn tượng với các ông bố bà mẹ khác – những người sau này đã trở thành nhà đầu tư cho công ty của họ – The Mother Company.
Được biết, The Mother Company có trụ sở tại Los Angeles, và là nơi cung cấp các series sách cũng như chương trình dành cho trẻ em. Theo Schiller, công ty của cô đã gọi được số vốn lên đến 500.000 USD nhờ những cuộc trò chuyện bên lề sân chơi như thế.
5. Kêu gọi vốn cộng đồng với Kickstarter
Priska Diaz từng nghĩ sẽ dễ dàng có được 75.000 USD để hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh của mình khi sử dụng nền tảng gọi vốn cộng đồng Kickstarter. Tuy nhiên, sau 3 tháng, ý tưởng chai sữa kín khí tên Bare của Diaz vẫn không nhận được bất kỳ khoản đầu tư nào cả.
Không nản lòng, 3 năm sau, Diaz thử lại lần nữa. Lần này, cô viết một trang web để giải thích cặn kẽ về sản phẩm kèm theo hình ảnh mẫu thử của chai sữa. Cách làm này đã giúp Diaz thu hút sự quan tâm rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, khi có rất nhiều khách hàng tiềm năng sẵn lòng chờ đợi được sử dụng sản phẩm chính thức. Thừa thắng xong lên, Diaz liền thiết lập hệ thống nhận đơn đặt trước sản phẩm cũng như tổ chức một buổi bán hàng trước thông qua website. Kết quả, cô đã huy động được hơn 50.000 USD tiền vốn cho công ty Bittylab của mình.
6. Chia sẻ đam mê trên Facebook
Bill Gandy có sở thích chia sẻ những bức ảnh lịch sử của Allegheny City – một quận phía bắc thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania và đồng thời là thành viên của một nhóm trên mạng xã hội Facebook có tên Born & Raised on Northside of Pgh. Thành viên trong nhóm đều đánh giá cao các tấm ảnh gợi nhớ về những ngày tháng huy hoàng của Allegheny trong tay Gandy. Và, khi ông ngỏ ý muốn mở một phòng tranh để giới thiệu các bức ảnh, Chủ tịch Hội đồng thành phố Pittsburgh – Darlene Harris – đã nhắn tin đề xuất hợp tác. Kết quả, Gandy đã thành công cho ra mắt Phòng tranh Lịch sử Thành phố Allengeny. Được biết, ông đã huy động hơn 12.000 USD cho phòng tranh phi lợi nhuận này trong vòng chưa đến một tháng.
7. Huy động vốn thay vì… nhận quà sinh nhật
Năm 2008, khi Cynthia Kersey sắp sửa bước sang tuổi 50, bà thấy cuộc sống của mình như đảo lộn khi ly hôn. Song, thay vì chìm trong đau khổ, Kersey tập trung tìm cách hiện thực hoá ước mơ của mình – giúp những đứa trẻ bất hạnh được đến trường. Mời tất cả mọi người mình biết đến dự tiệc sinh nhật lần thứ 50, Kersey đã yêu cầu họ hãy mang theo 100 USD, thay vì những món quà.
Tại buổi tiệc, Kersey tuyên bố với tất cả những người tham dự rằng, sẽ sử dụng số tiền được tặng này làm vốn hạt giống để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận – Quỹ Unstoppable. Nhờ những nỗ lực của Kersey, 6.000 trẻ em đã được đến trường và hơn 50 trường học đã được dựng nên.
Lời kết:
Trên đây 1Office đã chia sẻ 7 cách kêu gọi vốn đầu tư thành công bằng những cách vô cùng độc đáo. Hy vọng những câu chuyện này sẽ truyền động lực và cảm hứng cho các bạn, đặc biệt là những startup trẻ tuổi.
Xem thêm bài viết tại:
CẨM NANG CHO NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC KHÁCH HÀNG
PHẦN MỀM QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP HIỆU QUẢ NHẤT