Chúng ta đều biết rằng, theo chỉ thị 16 lệnh giãn cách xã hội ngoài một số ngành nghề như y tế, sản xuất, ngân hàng, dịch vụ – hàng hóa thiết yếu… thì hầu hết mọi doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác đều phải tạm ngưng hoạt động hoặc chuyển mình theo mô hình làm việc từ xa. Vậy thì tại thời điểm này, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với câu hỏi tồn tại – CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM GÌ HƠN ĐỂ TỒN TẠI?
Đứng trước câu hỏi này, 1Office xin đưa ra một ví dụ điển hình, anh Vũ Trung Anh – một CEO kiêm Founder của BEYOURS (Thương hiệu bán nội thất gia đình). Trong bối cảnh không thể kinh doanh được mặt hàng nội thất, nhưng anh vẫn phải nuôi hàng trăm nhân sự trên dưới trong công ty, riêng chi phí vận hành là 1,5 tỷ đồng/tháng. Tức là anh đứng trước 2 lựa chọn, hoặc là cho anh em trong công ty nghỉ ngơi mấy tháng rồi quay lại làm việc sau giãn cách hoặc là tìm gì đó bán kiếm dòng tiền duy trì hoạt động. Và anh Vũ Trung Anh đã quyết định chuyển sang bán thực phẩm thiết yếu.
Kết quả là công ty tiêu thụ khoảng 5 tấn thực phẩm/ngày. Doanh số gần như đạt đến điểm hòa vốn để công ty nuôi bộ máy như trước khi có dịch và bằng 50% doanh thu bán nội thất ngày thường. Bên cạnh đó, 30% nhân sự của công ty vẫn duy trì hoạt động và nhận sản xuất nội thất cho các nhà máy khác.
Công ty Beyours đã chuyển từ kinh doanh nội thất sang mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong mùa dịch.
Đây là một ví dụ cho thấy sự mạo hiểm, táo bạo có và thành công có. Nếu như cứ mải phải loay hoay với việc thua lỗ, doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhân viên không có việc làm thì đây chính là một ví dụ đáng để học tập và tìm một lối thoát cho doanh nghiệp của mình. Bạn quyết định đóng cửa im lìm hay rủ nhau kinh doanh lĩnh vực được cho phép? Buộc nhà quản lý phải đối đầu với những quyết định mà không thể né tránh.
Tuy nhiên, nếu đứng trước sự lựa chọn thứ 2 bạn cũng sẽ gặp nhiều bài toán về cơ hội và rủi ro, điều động nhân sự hay các chiến lược marketing thần tốc và đặc biệt là cách thức vận hành như thế nào?
Bài toán về cơ hội và rủi ro
Trong kinh doanh chỉ cần gặp đúng chữ “thời” – “đúng thời điểm”, “đúng lúc” sẽ tạo ra cơ hội to lớn để thành công. Nhưng hãy nhớ rằng, gì cũng có hai mặt. Nếu thành công, bạn có thể đảm bảo được công việc cho nhân viên cũng như doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp tồn tại trên thị trường. Còn nếu bạn không thành công thì doanh nghiệp đang từ hấp hối sẽ thành chết hẳn.
Tại thời điểm dịch bệnh bùng phát kéo dài nhiều tuần liên tục, người dân phải ở nhà giãn cách, họ bắt đầu lo lắng không biết bao giờ dịch sẽ kết thúc và điều họ quan tâm là liệu lương thực có đủ để cung cấp trong mùa giãn cách hay không? Nếu đi mua lương thực trong thời điểm này có đảm bảo an toàn hay không? Nếu doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu và thời cơ này để chuyển hướng kinh doanh thì khả năng thành công sẽ khá cao.
Tuy nhiên cơ hội lớn đi cùng với rủi ro càng lớn. Các thách thức được đưa ra trong mùa dịch là hoàn toàn chưa từng có tiền lệ: giãn cách xã hội các mức, sự thay đổi chính sách của chính quyền quá nhanh, thực trạng diễn biến của dịch bệnh nghiêm trọng theo từng ngày,… Việc chuyển hướng kinh doanh ngay cả trong điều kiện thường vốn đã không phải là bài toán đơn giản thì trong thời điểm mọi thứ thay đổi quá nhanh và có rất nhiều biến số như thời kỳ dịch bệnh thì lại càng khó. Kinh doanh là bài toán thực tế chứ không phải câu chuyện “trà sữa cho tâm hồn” vì vậy, không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua và đạt được thành tựu như câu chuyện đầy cảm hứng của BEYOURS.
Chuẩn bị gì cho cuộc chiến mới
Điều đặc biệt cần quan tâm khi muốn bắt đầu một cuộc đua mới, bạn cần ít nhất 1 trong 3 yếu tố sau: Thứ nhất là kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân trong ngành hoặc lĩnh vực ấy, nếu không thì bạn phải có mentor cứng, tốt nhất là lợi dụng các thế mạnh sẵn có của mình; Thứ 2 là phải có mạng lưới kết nối và cung ứng uy tín, sẵn sàng để mình cùng gia nhập; Thứ 3 là các hệ thống sẵn có của doanh nghiệp phải tương hỗ với ngành mới này.
Dù là chiến lược ngắn hạn lại càng phải phân tích kỹ càng các yếu tố SWOT (Điểm mạnh – Yếu – Cơ hội và Thách thức) vì 1 đồng tiền tiêu hiện tại cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Khi kinh doanh một mặt hàng khác, bạn cũng sẽ phải đối mặt với một loạt bài toán về vận chuyển, về nguồn cung, về cách bảo quản,… Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cạnh tranh khốc liệt trên lĩnh vực bạn định theo đuổi, liệu rằng có chắc chắn họ đang được thuận lợi hay cũng gặp nhiều khó khăn hay không? Ngành nghề này có đáng được kỳ vọng tăng lợi nhuận vượt trội nếu đi theo? Tiếp theo là những rủi ro trong khi đi sâu vào vận hành doanh nghiệp như hệ thống quá tải, cách thức vận hành bị vỡ trận…
Hãy xây dựng chiến lược tiếp cận dần dần, từng bước một và bổ sung nguồn nhân lực khi bắt đầu có kết quả. Đặc biệt là bạn cần phải có kế hoạch dự phòng và luôn luôn mang tinh thần linh hoạt thần tốc đứng trước mọi vấn đề. Mà để làm được điều này bạn cần có một team mạnh mẽ. Đó gọi là team chiến lược và team thực chiến nằm trong bài toán về nhân lực.
Bài toán về nhân lực
Bạn biết rằng lĩnh vực mới không phải là thế mạnh của nhân viên trong công ty. Tuy nhiên, chỉ cần có một chiến lược cụ thể, rõ ràng và thực tế thì hoàn toàn có thể xoay chuyển được. Hãy tận dụng toàn bộ nguồn nhân lực sẵn có trong công ty, ai giỏi việc nào phụ trách việc đó để phân bổ đều cho một cuộc chiến thú vị.
Tập hợp đội ngũ nòng cốt để lên chiến dịch từng bước cho cuộc chiến mới.
Về team chiến lược, bạn cần điều động những nhân viên marketing – truyền thông nòng cốt của doanh nghiệp để tập trung xây dựng từng bước đi trên các kênh truyền tải sao cho hiệu quả. Những bước đi này cần đáp ứng được điều kiện về chỉ số tiếp cận khách hàng một cách rõ ràng: các kênh bán hàng, quản lý hình ảnh truyền thông, xử lý khủng hoảng khi quá tải…
Về team thực chiến, bạn cần có những người đồng đội sẵn sàng và có khả năng tham gia phụ trách hệ thống hàng hóa: Ai là người tìm nhà cung ứng vận chuyển, ai là người quản lý kho, kiểm soát dữ liệu, ai sẽ phụ trách và kiểm kê dòng tiền chi – thu… Tương ứng với mỗi một vị trí đều có một bài toán đi kèm. Vì thế, với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn cần đưa ra các chỉ thị rõ ràng và quyết đoán.
Bạn và đồng đội của mình đã thực chiến trên thị trường sau khi giải quyết các bài toán trên, có vẻ như tất cả mọi thứ đã sẵn sàng và lên nòng trơn tru cho cuộc chiến xoay chuyển của doanh nghiệp. Tuy nhiên bạn cần phải nhớ, lĩnh vực chính mà doanh nghiệp đang hoạt động là gì? Nhất định không thể bỏ quên. Như vậy, hãy dành 30% nhân sự để duy trì vận hành doanh nghiệp, để đảm bảo sự sống còn và tồn tại cho đến khi đại dịch qua đi.
Dù đây chỉ là một phương án tạm thời ứng biến trong mùa dịch, hãy cân nhắc kỹ về khả năng của bản thân và mục đích của bạn với tư cách là nhà lãnh đạo. Đây không phải là một thử nghiệm cá nhân hay thành bại của cá nhân mà là lợi ích đem lại cho toàn bộ người lao động. Vì vậy, hãy đưa ra quyết định: Đóng cửa doanh nghiệp của bạn hay áp dụng các chiến lược kinh doanh tiếp theo của mình để doanh nghiệp và hàng trăm nhân sự “sống” qua mùa dịch và sống tiếp sau dịch?