Trái phiếu doanh nghiệp là một thuật ngữ phổ biến trong việc huy động vốn và quản lý tài chính. Nó cung cấp cơ hội đầu tư hấp dẫn, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp và thị trường tài chính. Trong bài viết này, hãy cùng 1Office tìm hiểu cụ thể khái niệm trái phiếu doanh nghiệp là gì? Vai trò, phân loại và quy trình phát hành chúng trong hoạt động kinh doanh và đầu tư nhé.
Mục lục
- 1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
- 2. Các loại trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam
- 3. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
- 4. Lợi ích của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu
- 5. Quy trình phát hành trái phiếu trong doanh nghiệp
- 6. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu
- 7. Phân biệt trái phiếu doanh nghiệp với: trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và tiền gửi
1. Trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Trái phiếu doanh nghiệp (Corporate Bonds) là một loại công cụ tài chính được phát hành bởi doanh nghiệp dưới dạng bút toán ghi nợ, chứng chỉ và thường được sử dụng để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Đây là một hợp đồng nợ giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu với các nhà đầu tư mua trái phiếu, trong đó doanh nghiệp cam kết trả lại số tiền vay (gốc) cùng với lãi suất theo một kỳ hạn nhất định.
2. Các loại trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam
Trái phiếu doanh nghiệp có thể được chia thành hai loại chính là trái phiếu niêm yết và trái phiếu OTC, tùy thuộc vào việc trái phiếu này đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán chính thức (sàn giao dịch) hay chưa.
- Trái phiếu niêm yết: Đây là loại trái phiếu đã được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán chính thức tại Việt Nam cụ thể là các Sở Giao dịch Chứng khoán như HOSE, HNX, UPCoM. Trái phiếu niêm yết có quy định rõ ràng về việc giao dịch và thông tin tài chính phải được công bố một cách định kỳ.
- Trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết (trái phiếu OTC): Còn được gọi là trái phiếu phi tập trung, chúng không được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán mà được giao dịch tại thị trường ngoại trái OTC. Trái phiếu này thường không công bố thông tin tài chính và giao dịch không công khai như trái phiếu niêm yết. Chúng được giao dịch giữa các nhà đầu tư với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và không bị ràng buộc bởi các chính sách pháp lý.
Ngoài hai loại trái phiếu trên còn có thể có các loại hình khác như trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu không chuyển đổi, trái phiếu có kỳ hạn và trái phiếu vô kỳ hạn tùy thuộc vào điều kiện, yêu cầu của từng doanh nghiệp phát hành.
3. Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp
Việc hiểu đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng cho cả nhà đầu tư và công ty phát hành trái phiếu. Nó giúp tối ưu hóa quyết định đầu tư, quản lý rủi ro kinh doanh, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của giao dịch trái phiếu.
Tiêu chí | Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp |
Kỳ hạn của trái phiếu | – Thời gian mà trái phiếu phải được trả vốn gốc và lãi suất phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp. – Đây có thể là trái phiếu có kỳ hạn ngắn hạn (dưới 1 năm), trung hạn (1 đến 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm). |
Số lượng phát hành trái phiếu | – Là tổng số trái phiếu được phát hành bởi doanh nghiệp hay tổng giá trị của trái phiếu có thể đặt mua. – Số lượng này tùy thuộc vào nhu cầu về vốn và khả năng huy động của thị trường. |
Đồng tiền phát hành trái phiếu | – Loại tiền tệ mà trái phiếu được phát hành và sử dụng trong thanh toán gốc, lãi trái phiếu. – Chúng thường là đồng tiền quốc gia và dựa trên quy định của thị trường phát hành (ví dụ VND cho Việt Nam, USD cho Hoa Kỳ,…). |
Mệnh giá của trái phiếu | – Đây là giá trị gốc của mỗi trái phiếu, thường là số tiền mà công ty phải trả lại khi đáo hạn. – Ở Việt Nam mệnh giá của trái phiếu sẽ là bội số của 100.000 VND còn nước ngoài sẽ dựa trên quy định của thị trường phát hành. |
Hình thức phát hành trái phiếu | – Cách công ty phát hành trái phiếu có thể thông qua đợt phát hành riêng lẻ (Private Placement) hoặc đợt phát hành công khai (Public Offering). – Dưới hình thức bút toán ghi nợ, chứng chỉ hoặc dữ liệu điện tử tùy vào quyết định của doanh nghiệp. |
Lãi suất danh nghĩa của trái phiếu | – Được tính dựa trên mệnh giá của trái phiếu và phù hợp với tình hình tài chính cùng khả năng thanh toán nợ trái phiếu của doanh nghiệp đồng thời phải tuân thủ quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. – Có thể xác định lãi suất danh nghĩa của trái phiếu doanh nghiệp theo các hình thức lãi suất thả nổi, lãi suất cố định hoặc kết hợp cả hai. |
Loại hình của trái phiếu | – Trái phiếu thường (Fixed-Rate Bonds) với lãi suất cố định – Trái phiếu biến đổi (Floating-Rate Bonds) với lãi suất thay đổi theo một chỉ số cụ thể – Trái phiếu chuyển đổi (Convertible Bonds) có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu công ty phát hành. |
Quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu | Quyền lợi mà người nắm giữ trái phiếu được hưởng bao gồm việc nhận lãi suất, đòi hỏi trả vốn khi đáo hạn và các quyền khác được quy định trong tài liệu phát hành như chuyển nhượng, thừa kế,… |
Bảng phân tích đặc điểm trái phiếu doanh nghiệp
4. Lợi ích của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu
Lưu ý rằng trái phiếu có thể mang lại nhiều rủi ro về thanh toán nếu doanh nghiệp phát hành đang gặp khó khăn tài chính. Nhưng nhìn chung, loại hình này vẫn được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn bởi nó mang lại nhiều lợi ích so với các hình thức khác:
- Lãi suất cao hơn so với tiết kiệm: Lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp cao hơn so với lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng hoặc các tài khoản tiết kiệm. Chính điều này làm cho trái phiếu trở thành một cách đáng để đầu tư với lợi suất tốt hơn.
- Rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu: Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, nhà đầu tư trái phiếu sẽ được ưu tiên trong việc nhận tiền trước cổ đông từ đó giúp giảm rủi ro tài chính cho các nhà đầu tư.
- Có khả năng mua đi bán lại: Trái phiếu có thể được mua bán trên thị trường mở (Secondary Market). Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể bán trái phiếu trước khi nó đáo hạn.
- Thanh toán lãi suất định kỳ: Các trái phiếu thường có một lịch trả lãi suất định kỳ (thường hàng tháng hoặc hàng năm) cho phép nhà đầu tư nhận lãi suất định kỳ mà họ có thể sử dụng hoặc tái đầu tư.
- Tăng giá trị nếu giá trái phiếu tăng: Nếu giá trái phiếu tăng lên trên mệnh giá (Par Value), nhà đầu tư có thể bán trái phiếu với giá cao hơn mệnh giá từ đó tạo ra lợi nhuận từ việc tăng giá trị của trái phiếu.
- Mở rộng cơ hội tài chính quốc tế: Doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế và mở rộng cơ hội tài chính toàn cầu.
- Quản lý các rủi ro tài chính: Trái phiếu có lãi suất cố định và thời hạn cụ thể giúp doanh nghiệp quản lý các rủi ro tài chính có thể xảy ra từ đó đưa ra dự đoán và lập kế hoạch tài chính dễ dàng hơn.
>> Tham khảo: Các hình thức huy động vốn thông minh, xây dựng nền tài chính vững mạnh
5. Quy trình phát hành trái phiếu trong doanh nghiệp
Bước 1: Xác định nhu cầu phát hành trái phiếu
Doanh nghiệp cần xác định tại sao họ cần phát hành trái phiếu (mục đích phát hành). Điều này có thể là huy động vốn cho các dự án mở rộng, tái cơ cấu nợ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công cụ tài chính hoặc các mục tiêu khác.
Bước 2: Chuẩn bị kế hoạch tài chính
Ở bước này, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết, khả thi nhằm xác định số lượng và giá trị trái phiếu cần phát hành. Bao gồm việc cân nhắc về kỳ hạn, lãi suất và thời hạn trả nợ. Kế hoạch này phải phù hợp với mục tiêu tài chính dài hạn của doanh nghiệp.
Bước 3: Lựa chọn loại trái phiếu
Doanh nghiệp phải quyết định loại trái phiếu phù hợp với mục tiêu tài chính của mình. Một số loại trái phiếu thông dụng hiện nay bao gồm trái phiếu cố định, trái phiếu biến đổi, trái phiếu chuyển đổi (có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu công ty phát hành)… Việc lựa chọn loại trái phiếu phù hợp phải dựa trên mục tiêu tài chính và khả năng thanh toán trong tương lai của doanh nghiệp.
Bước 4: Chuẩn bị tài liệu pháp lý
Đây là bước quan trọng trong quy trình phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải chuẩn bị các tài liệu pháp lý liên quan đến việc phát hành trái phiếu gồm văn bản phát hành, hợp đồng trái phiếu và các tài liệu liên quan khác. Tất cả các tài liệu này phải tuân thủ quy định pháp luật và được kiểm tra kỹ lưỡng bởi luật sư hoặc chuyên gia tài chính.
Bước 5: Làm việc với công ty tư vấn tài chính
Doanh nghiệp có thể hợp tác với các công ty tư vấn tài chính để hỗ trợ trong quá trình phát hành trái phiếu. Các chuyên gia tài chính có thể giúp đơn vị xác định cấu trúc trái phiếu, đánh giá rủi ro tài chính và tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng.
Bước 6: Đăng ký và phê duyệt
Sau khi tài liệu đã được chuẩn bị, cần tiến hành đăng ký và xin phê duyệt phát hành trái phiếu từ cơ quan quản lý tài chính hoặc sở giao dịch chứng khoán (nếu có). Quy trình xin phê duyệt đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định và các tài liệu cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
Bước 7: Phát hành và tiếp thị
Sau khi được phê duyệt việc phát hành trái phiếu, doanh nghiệp nên tiến hành xây dựng các chiến lược tiếp thị cho các nhà đầu tư tiềm năng. Việc tiếp thị này bao gồm quảng cáo trái phiếu và trình bày lợi ích của việc đầu tư vào trái phiếu của công ty. Công ty có thể sử dụng các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính để hỗ trợ trong việc tiếp thị.
Bước 8: Quản lý trái phiếu
Doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ trái phiếu của mình, đảm bảo thanh toán lãi suất và vốn gốc đúng hạn theo lịch trả nợ đã xác định. Việc quản lý trái phiếu ở bước này cũng đòi hỏi sự chú ý và tuân thủ quy định.
Bước 9: Thanh toán lãi và vốn gốc
Trong suốt thời gian đáo hạn, doanh nghiệp phải thanh toán lãi suất và vốn gốc cho các nhà đầu tư theo lịch trả nợ đã xác định. Việc này phải được thực hiện đúng hạn để duy trì uy tín tài chính và tin cậy của công ty.
6. Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu
Khi phát hành và sử dụng vốn trái phiếu, doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định được căn cứ theo Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, cụ thể:
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn từ trái phiếu và đảm bảo khả năng trả nợ.
- Doanh nghiệp phải nêu rõ mục đích cụ thể của việc phát hành trái phiếu, bao gồm việc thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hoặc cơ cấu lại nợ. Việc sử dụng vốn từ trái phiếu phải tuân thủ mục tiêu đã được công bố với nhà đầu tư và phù hợp với pháp luật.
- Đối với trái phiếu xanh, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phải được hạch toán, quản lý và giải ngân cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích về môi trường.
- Để thay đổi điều kiện và điều khoản của trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp cần tuân thủ điều kiện: được thông qua bởi cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp và sự chấp thuận từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên từ các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin liên quan đến việc thay đổi điều kiện và điều khoản của trái phiếu để đảm bảo tính minh bạch thông tin cho nhà đầu tư.
7. Phân biệt trái phiếu doanh nghiệp với: trái phiếu chính phủ, cổ phiếu và tiền gửi
So sánh trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ
Dưới đây là bảng so sánh giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ dựa trên một số tiêu chí về đơn vị, mục đích, lãi suất, kỳ hạn phát hành:
Tiêu chí | Trái phiếu doanh nghiệp | Trái phiếu chính phủ |
Đơn vị phát hành | Doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty. | Chính phủ, Nhà nước (như ngân hàng, kho bạc, bộ tài chính…) |
Mục đích phát hành | Huy động vốn cho kinh doanh, mở rộng mục tiêu chiến lược, giải quyết vấn đề tài chính,… | Huy động vốn cho ngân sách, bù đắp thiếu hụt tài chính tạm thời. |
Nguồn thụ động | Từ nhà đầu tư và thị trường. | Từ người dân và thị trường. |
Lãi suất | Cố định hoặc thả nổi tùy thuộc vào doanh nghiệp và thường có lãi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ. | Thường giữ cố định và có lãi suất thấp hơn nên được coi là tài sản an toàn. |
Kỳ hạn | Thời hạn cố định kéo dài trong ngắn hạn trong khoảng 1 năm đến 3 năm. | Kéo dài trung hạn hoặc dài hạn từ 5 năm đến 30 năm. |
Khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu (trái phiếu chuyển đổi) | Có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu. | Không có khả năng chuyển đổi sang cổ phiếu. |
Khả năng bảo tồn vốn | Tương đối | Gần như tuyệt đối |
Rủi ro tài chính | Chủ yếu phụ thuộc vào khả năng thanh toán nợ vì thế doanh nghiệp cần tự quản lý và chịu trách nhiệm về rủi ro. | Là nguồn tín dụng an toàn, có mức rủi ro thấp hơn bởi chịu ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. |
Bảng phân biệt trái phiếu doanh nghiệp với trái phiếu chính phủ
So sánh trái phiếu doanh nghiệp với cổ phiếu và tiền gửi
Sự lựa chọn giữa trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và tiền gửi phụ thuộc vào mục tiêu, thời hạn đầu tư, tỷ lệ rủi ro và tiền lời mà nhà đầu tư mong muốn. Trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ nợ, trong khi cổ phiếu là một phần sở hữu của công ty và tiền gửi là tiền mặt được gửi vào ngân hàng. Dưới đây là bảng so sánh ba hình thức này:
Tiêu chí | Trái phiếu doanh nghiệp | Cổ phiếu | Tiền gửi |
Loại tài sản | Công cụ ghi nợ mà nhà phát hành phải trả | Một phần sở hữu của công ty | Loại tiền mặt được gửi vào ngân hàng |
Vai trò nhà đầu tư | Trái chủ | Cổ đông | Người gửi tiền |
Lãi suất | Lãi suất được biết trước, thường cao hơn so với cổ phiếu và tiền gửi | Lãi suất có thể thay đổi phụ thuộc vào sự biến động giá của cổ phiếu | Lãi suất thấp hơn, thường cố định và được biết trước |
Kỳ hạn | Cố định, có thể ngắn hạn và dài hạn | Không có thời hạn cố định | Thường dưới 1 năm và có thể rút mọi lúc |
Khả năng bảo toàn vốn | Trung bình | Thấp | Cao |
Khả năng chuyển nhượng | Có | Cao | Thấp |
Phương pháp rút tiền đầu tư | Nhận lãi suất định kỳ và gốc khi đáo hạn | Bán cổ phiếu trên thị trường thứ cấp | Nhận tiền gốc và lãi suất khi đáo hạn |
Rủi ro | Không thanh toán được khoản nợ theo kỳ hạn | Cổ phiếu biến động và mất giá trên thị trường chứng khoán | Rủi ro thấp hơn do bảo vệ bởi ngân hàng và chính phủ (trừ trường hợp ngân hàng phá sản) |
Độ linh hoạt | Ít linh hoạt, vốn phải giữ đến khi đáo hạn. | Linh hoạt, có thể bán bất cứ lúc nào. | Linh hoạt, có thể rút tiền bất cứ lúc nào. |
Bảng phân biệt trái phiếu doanh nghiệp với cổ phiếu và tiền gửi
Như vậy, trong bài viết này 1Office đã cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về trái phiếu doanh nghiệp là gì. Đặc điểm, phân loại, quy trình phát hành và phân biệt chúng với trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, tiền gửi. Vì vậy, trước khi ra quyết định đầu tư, doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ để tránh những sai sót và những rủi ro không đáng có. Chúc Quý doanh nghiệp thành công!