083.483.8888
Đăng ký

Vay là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực tài chính trong quá trình hoạt động. Gắn liền với các khoản vay là lãi vay – một trong những nội dung quan trọng trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Vậy chi phí lãi vay là gì? Khi quyết toán thuế TNDN chi phí lãi vay được trừ hay không được trừ? Hay cách hạch toán chi phí lãi vay như nào chính xác nhất? 1Office sẽ giải đáp toàn bộ các thắc mắc của bạn trong bài viết này!

1. Khái niệm chi phí lãi vay

Chi phí lãi vay (Interest Expense) là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải thanh toán cho các khoản tiền đi vay có mục đích phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Hiểu đơn giản, chi phí lãi vay là số tiền mà doanh nghiệp dùng để trả lãi cho các khoản vay của doanh nghiệp ví dụ như vay vốn, vay để mua tài sản, thiết bị, bổ sung hàng tồn kho, thanh toán hóa đơn,…

Chi phí lãi vay bao gồm các loại:

  • Lãi vay dài hạn, ngắn hạn
  • Lãi vay trên các khoản chi vượt hạn mức
  • Chi phí tài chính (Financial Charges) của tài sản thuê tài chính;
  • Lãi suất trái phiếu và nợ chuyển đổi
  • Lãi suất của các khoản vay khác

Chi phí lãi vay có liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đang dang dở sẽ được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay sẽ được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế bằng tài sản đó trong tương lai và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy.

2. Tác động của chi phí lãi vay

Tác động của chi phí lãi vay
Tác động của chi phí lãi vay

Tác động của chi phí lãi vay đến hoạt động của doanh nghiệp có thể được phân tích theo các khía cạnh sau:

  • Tác động đến kết quả kinh doanh: Chi phí lãi vay là một khoản chi phí kinh doanh, do đó sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Cụ thể, khi chi phí lãi vay tăng lên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.
  • Tác động đến giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Chi phí lãi vay được cộng vào giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Khi chi phí lãi vay tăng lên, giá thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng sẽ tăng theo.
  • Tác động đến khả năng thanh toán: Chi phí lãi vay là một khoản chi phí cố định, do đó doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn tài chính để thanh toán khoản chi phí này. Nếu doanh nghiệp không có đủ nguồn tài chính để thanh toán chi phí lãi vay, thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
  • Tác động đến rủi ro tài chính: Chi phí lãi vay cao có thể làm tăng rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể, khi chi phí lãi vay cao, doanh nghiệp sẽ phải dành nhiều nguồn lực hơn để thanh toán khoản chi phí này, do đó sẽ có ít nguồn lực hơn để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này có thể làm giảm khả năng sinh lời của doanh nghiệp và gia tăng rủi ro tài chính.
  • Tác động đến thuế thu nhập doanh nghiệp: Chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Do đó, khi chi phí lãi vay tăng lên, số thuế TNDN phải nộp sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng chi phí lãi vay chỉ được trừ khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về chi phí lãi vay mới nhất

Chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết

Căn cứ theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 nêu rõ:

“Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi cho vay và lãi tiền gửi) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khẩu hao phát sinh trong kỳ”

Nói cách khác, trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết phát sinh giao dịch vay với bên liên kết, chi phí lãi vay bị khống chế không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi cho vay và lãi tiền gửi) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.

Chi phí lãi vay khi quyết toán thuế TNDN

Chi phí lãi vay khi quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài Chính như sau:

  • Phần chi phí trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh của đối tượng không phải là tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế, vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
  • Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.

Chi phí lãi vay đầu tư vào doanh nghiệp khác trong quá trình kinh doanh sẽ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ.

Khoản lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn xác định theo điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi quyết toán thuế TNDN được xác định như sau:

  • Nếu số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.
  • Nếu số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:
    • Trường hợp doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ phần trăm giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân với tổng số lãi vay
    • Trường doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi vay không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân với lãi suất của khoản vay nhân với thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu”.

Như vậy, doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ thì toàn bộ chi phí lãi vay được tính là chi phí được trừ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có tồn quỹ tiền mặt lớn trên sổ sách, nhưng không chứng minh được có dự án, hợp đồng cần huy động vốn lớn thì chi phí lãi vay có thể bị cơ quan thuế loại khỏi chi phí được trừ.

4. Công thức tính chi phí lãi vay chuẩn nhất

Tính chi phí lãi vay ngân hàng

Công thức tính lãi suất vay ngân hàng khi vay vốn được mặc định với tất cả các khách hàng khi vay. Vì vậy, bạn cần nắm được lãi suất vay của ngân hàng để có sự lựa chọn phù hợp về số tiền và thời hạn trả nợ phù hợp với tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Công thức tính lãi vay phổ biến nhất hiện này mà các ngân hàng đang áp dụng là tính theo dư nợ giảm dần có công thức như sau:

Lãi phải trả (Tháng) = Dư nợ vay hiện tại x Lãi suất vay x Số ngày thực tế duy trì dư nợ

365

Tính chi phí lãi vay cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác

Với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức khác nhau thì có thể cách tính lãi vay không giống nhau. Tuy nhiên, về cơ bản thì lãi vay sẽ được tính dựa trên Dư nợ, lãi suất vay (tháng/ năm) và thời gian duy trì số nợ thực tế.

Công thức tính chung của lãi vay cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức như sau:

Lãi phải trả = Lãi trả theo tháng + Lãi trả lẻ ngày

Trong đó:

Lãi phải trả theo tháng = Dư nợ vay hiện tại x Lãi suất vay (năm) x Số ngày thực tế duy trì dư nợ

365

 

Lãi trả lẻ ngày = Dư nợ vay hiện tại x Lãi suất vay (năm) x Số ngày thực tế duy trì dư nợ lẻ tháng

365

5. Cách Hạch Toán Chi Phí Lãi Vay Hợp Lý

Chi phí lãi vay hợp lý là gì?

Chi phí lãi vay hợp lý là khoản chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ tính thuế, được hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật, có đủ các điều kiện sau:

  • Khoản tiền sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Lãi suất vay không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
  • Doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh.

Cách hạch toán chi phí lãi vay hợp lý

Các trường hợp thường phát sinh như:

Trường hợp 1: Chi phí lãi vay theo định kỳ:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 111 – Tiền mặt,  TK 112 – Tài khoản ngân hàng

Nếu có phát sinh các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động đi vay, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 111, 112,…

Trường hợp 2: Nếu trả lãi vay trước cho nhiều kỳ:

Khi trả lãi, ghi:

  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (Theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và 133/2016/TT-BTC)
  • Có TK 111, 112

Khi phân bổ dần lãi vay vào chi phí, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước

Trường hợp 3: Nếu trả lãi vay sau khi kết thúc hợp đồng hoặc khế ước vay:

Định kỳ trích trước lãi vay vào chi phí, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 335 – Phi phí phải trả

Trả lãi vay khi kết thúc hợp đồng vay, ghi:

  • Nợ TK 335 – Chi phí phải trả
  • Có TK 111, 112

Trường hợp 4: Nếu Doanh nghiệp có thuê tài sản tài chính, thì lãi thuê tài sản tài chính phải trả:

Khi nhận được hóa đơn thanh toán tiền thuê tài sản tài chính ⇒ Doanh nghiệp trả tiền ngay, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 111 – Tiền mặt, TK 112 – Tiền gửi ngân hàng

Khi nhận được hóa đơn thanh toán tiền thuê tài sản tài chính, nhưng doanh nghiệp chưa có tiền trả, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 315 – Nợ dài hạn đến hạn trả

Trường hợp 5: Nếu Doanh nghiệp trả lãi trả chậm của của tài sản mua theo phương thức trả chậm, trả góp:

Lãi phải trả cho bên bán khi mua tài sản ghi:

  • Nợ TK 242 – Chi phí trả trước
  • Có TK 111, 112

Định kỳ phân bổ dần lãi trả chậm vào chi phí, ghi:

  • Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
  • Có TK 242 – Chi phí trả trước

Vốn hóa chi phí lãi vay

Vốn hóa chi phí lãi vay là việc ghi nhận chi phí lãi vay vào giá trị của tài sản được đầu tư, thay vì hạch toán trực tiếp vào chi phí trong kỳ. Việc vốn hóa chi phí lãi vay chỉ được thực hiện trong trường hợp chi phí lãi vay phát sinh trực tiếp từ việc đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sản xuất tài sản dở dang.

Theo quy định của Bộ Tài chính, chi phí lãi vay được vốn hóa phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Chi phí lãi vay phát sinh trực tiếp từ việc đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sản xuất tài sản dở dang.
  • Tài sản được đầu tư phải có khả năng tạo ra thu nhập trong tương lai.
  • Tỷ lệ vốn hóa chi phí lãi vay không vượt quá tỷ lệ giữa giá trị đầu tư và giá trị tài sản được đầu tư.
  • Việc vốn hóa chi phí lãi vay sẽ làm tăng giá trị của tài sản được đầu tư, từ đó làm giảm chi phí lãi vay phải trả trong kỳ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh và thu nhập của cổ đông.

Ví dụ, một doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng một nhà máy mới. Chi phí lãi vay phát sinh trong quá trình xây dựng nhà máy được vốn hóa vào giá trị của nhà máy. Khi nhà máy đi vào hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi vay cho ngân hàng, nhưng số lãi vay phải trả sẽ thấp hơn so với trường hợp không vốn hóa chi phí lãi vay.

6. Cách Hạch Toán Chi Phí Lãi Vay Không Hợp Lý

Chi phí lãi vay không hợp lý là gì?

Chi phí lãi vay không hợp lý là những khoản chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Theo quy định của pháp luật Việt Nam, chi phí lãi vay không hợp lý bao gồm các khoản sau:

  • Chi phí lãi vay vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay.
  • Chi phí lãi vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp.
  • Chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay không hợp pháp.
  • Chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay được thực hiện không đúng mục đích.
  • Chi phí lãi vay phát sinh từ các khoản vay có lãi suất không hợp lý.

Ví dụ, một doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%/năm. Mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại thời điểm vay là 5%/năm. Như vậy, chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản, là khoản chi phí lãi vay không hợp lý. Phần chi lãi vay tương ứng 5%/năm vượt mức sẽ bị loại khỏi chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN.

Doanh nghiệp cần lưu ý các quy định về chi phí lãi vay không hợp lý để đảm bảo hạch toán chi phí lãi vay hợp lý, tránh bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cách hạch toán chi phí lãi vay không hợp lý

Căn cứ vào số tiền chi phí lãi vay không hợp lý, kế toán ghi:

  • Nợ TK 811 – Chi phí khác
  • Có TK 111 – Tiền mặt, TK 112 – Tiền gửi ngân hàng

Cuối kỳ kết chuyển, ghi:

  • Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
  • Có TK 811 – Chi phí khác

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng số tiền chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ là 1 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chi phí lãi vay hợp lý là 800 triệu đồng. Như vậy, số tiền chi phí lãi vay không hợp lý là 200 triệu đồng.

Kế toán ghi nhận chi phí lãi vay không hợp lý như sau:

  • Nợ TK 881 – Chi phí khác: 200 triệu đồng
  • Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng: 200 triệu đồng

Cách xử lý các khoản chi phí lãi vay không hợp lý

Doanh nghiệp cần xác định số thuế TNDN phải nộp bổ sung theo công thức:

Số thuế TNDN phải nộp bổ sung = Số tiền chi phí lãi vay không hợp lý x Thuế suất tính thuế TNDN

Doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp số thuế TNDN phải nộp bổ sung vào ngân sách nhà nước. Cuối năm khi lập Tờ khai quyết toán thuế TNDN thì phải loại chi phí không được trừ này ra (Nhập vào mục B4 trên Tờ khai quyết toán thuế 03/TNDN).

Chi phí lãi vay được trừ và không được trừ là một trong những yếu tố quan trọng trong kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. 1Office mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ hiểu rõ hơn về các quy định về chi phí lãi vay, từ đó sử dụng hiệu quả các khoản vay vốn, phát huy vai trò đòn bẩy và lá chắn thuế của doanh nghiệp.

Ứng dụng kiến thức quản trị vào thực tiễn
cùng bộ giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office!

Đăng ký ngay
Zalo phone