Việc định giá doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ cho các CEO và CFO trong việc lập kế hoạch tài chính và đầu tư mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc hình thành giá trị đúng đắn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, xác định được chuẩn xác giá trị của một công ty là điều không hề dễ dàng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu tổng quan về khái niệm định giá doanh nghiệp, các yếu tố tác động tới giá trị doanh nghiệp và các phương pháp, công thức tính giá trị doanh nghiệp.
Mục lục
1. Định giá doanh nghiệp là gì?
Khái niệm
Giá trị của một doanh nghiệp đối với các nhà đầu tư được xác định dựa trên hai giá trị:
- Giá trị thanh lý: Là giá trị tất cả tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh và bán hết tài sản.
- Giá trị hoạt động liên tục: Là giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong tương lai.
Như vậy, có thể hiểu đơn giản rằng: “Định giá doanh nghiệp là việc xác định giá trị doanh nghiệp”.
Định giá doanh nghiệp là chính là các hoạt động quá trình xác định giá trị của một doanh nghiệp dựa trên các phương pháp và công thức nhất định. Quá trình này thường được thực hiện bởi các chuyên gia tài chính hoặc những người có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực tài chính, kế toán.
Mục đích xác định giá trị doanh nghiệp
Thẩm định giá là việc xác định giá trị của tài sản dựa trên các tiêu chuẩn, phương pháp thẩm định giá phù hợp với mục đích của giao dịch. Thẩm định giá có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường, phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan. Một số mục đích cụ thể của thẩm định giá:
- Phát hành cổ phiếu: Thẩm định giá giúp xác định giá trị vốn chủ sở hữu, từ đó có thể định giá cổ phiếu khi phát hành.
- Bán cổ phiếu ra công chúng: Thẩm định giá giúp xác định giá trị cổ phiếu khi bán ra công chúng.
- Chứng minh năng lực tài chính: Thẩm định giá giúp chứng minh năng lực tài chính của mình khi tham gia các hoạt động kinh doanh, đầu tư.
- Cải tổ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh: Thẩm định giá giúp xác định giá trị tài sản của mình, từ đó có thể đưa ra các giải pháp cải tổ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
- Phục vụ để cổ phần hóa, liên doanh, góp vốn: Thẩm định giá giúp xác định giá trị tài sản của mình, từ đó có thể thực hiện các hoạt động cổ phần hóa, liên doanh, góp vốn một cách hiệu quả.
- Mua bán, sát nhập doanh nghiệp (M&A), hợp nhất hoặc chia nhỏ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư: Thẩm định giá giúp các bên tham gia giao dịch xác định giá trị doanh nghiệp, từ đó có thể thỏa thuận giá cả, thực hiện giao dịch một cách hiệu quả.
- Tham khảo giá trị thị trường: Thẩm định giá giúp các bên tham gia giao dịch tham khảo giá trị thị trường của tài sản, từ đó có thể đưa ra các quyết định giao dịch phù hợp.
2. Tại sao cần định giá doanh nghiệp chính xác?
Giá trị doanh nghiệp là thông tin đặc biệt, bao hàm các giá trị thực của doanh nghiệp và phản ánh giá trị tương lai mà doanh nghiệp có thể đem lại. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thị trường tài chính, chứng khoán và các thị trường tài sản khác đang phát triển mạnh mẽ. Thông thường, doanh nghiệp chỉ được định giá khi chuẩn bị ngừng hoạt động và dự định bán. Tuy nhiên, doanh nghiệp nên định giá ít nhất mỗi năm một lần vì những lý do sau:
- Định giá doanh nghiệp giúp chủ sở hữu chủ động trong những tình huống bất ngờ, đưa ra quyết định nhanh chóng và giữ được lợi ích khi muốn bán doanh nghiệp.
- Định giá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp dễ dàng giành quyền lợi khi có quyết định cổ phần hóa hay mời thêm cổ đông tham gia.
- Định giá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng cơ hội buôn bán hoặc sáp nhập với doanh nghiệp khác.
- Định giá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tự tin và có niềm tin hơn khi tìm nhà đầu tư hay đối tác.
- Định giá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp dễ dàng vay tiền của ngân hàng.
Tóm lại, thẩm định giá doanh nghiệp là một công cụ quan trọng giúp các nhà quản lý đưa ra các quyết định đúng đắn, hiệu quả trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện đại.
3. Các yếu tố tác động tới giá trị doanh nghiệp
Để định giá doanh nghiệp chính xác, ta cần xem xét các yếu tố tác động tới giá trị của doanh nghiệp. Các yếu tố này có thể chia thành hai nhóm chính: Yếu tố bên ngoài doanh nghiệp và yếu tố bên trong doanh nghiệp.
Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp
Tình hình kinh tế
Môi trường kinh tế tổng thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Khi kinh tế phát triển, giá trị doanh nghiệp thường tăng lên và ngược lại. Môi trường kinh tế tác động đến giá trị doanh nghiệp thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng, chỉ số giá cả, tỷ giá hối đoái, chỉ số chứng khoán. Mỗi sự thay đổi nhỏ của các chỉ tiêu này cũng sẽ ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
Khoa học – công nghệ
Trong thời đại công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thay đổi căn bản về phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Những thay đổi này được tạo ra bởi sự phát triển của công nghệ, từ đó ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp.
Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp cũng có ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Sự cạnh tranh gay gắt có thể làm giảm giá trị của doanh nghiệp.
Chính sách pháp luật
Các quy định và chính sách pháp luật cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Sự thay đổi trong các quy định thuế, quyền sở hữu tài sản, hoặc quyền thương hiệu có thể tác động mạnh đến giá trị doanh nghiệp.
Khách hàng và nhà cung cấp
Khách hàng và nhà cung cấp là hai đối tác quan trọng của doanh nghiệp. Mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng và nhà cung cấp sẽ phản ánh mức độ doanh nghiệp phát triển, sức mạnh mở rộng, sản xuất kinh doanh.
Các yếu tố bên trong doanh nghiệp
Cơ cấu vốn
Cách tổ chức về cơ cấu vốn và cơ cấu cổ đông trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp. Một cơ cấu vốn ổn định và sự đồng thuận giữa các cổ đông thường tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Hiệu suất kinh doanh
Khả năng sinh lợi, năng suất lao động, hiệu quả vận hành và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp cũng là các yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Giá trị tài sản
Giá trị tài sản và quyền sở hữu tài sản như nhà xưởng, máy móc, công nghệ, và quyền thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sở hữu nhiều tài sản, hàm chứa rằng doanh nghiệp đó có giá trị lớn và ngược lại.
Lợi nhuận
Khả năng tạo lợi nhuận hiện tại và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai cũng là yếu tố quan trọng trong việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Người lao động
Trình độ người lao động là một yếu tố nội tại quan trọng quyết định đến giá trị của doanh nghiệp. Trình độ của người lao động được thể hiện ở kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc của họ. Những yếu tố này có tác động trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp – Thứ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và gia tăng giá trị định giá.
4. Cơ sở giá trị của hoạt động định giá doanh nghiệp
Cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường. Giá trị thị trường là giá trị mà một doanh nghiệp có thể được giao dịch trên thị trường tự do, giữa người mua và người bán có hiểu biết, không bị ràng buộc. Giá trị phi thị trường là giá trị của một doanh nghiệp mà không thể xác định được giá trị thị trường.
Cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định dựa trên các yếu tố sau:
- Mục đích thẩm định giá: Mục đích thẩm định giá là yếu tố quyết định đến cơ sở giá trị doanh nghiệp. Ví dụ, nếu thẩm định giá để mua bán doanh nghiệp thì cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường. Nếu thẩm định giá để góp vốn thì cơ sở giá trị doanh nghiệp có thể là giá trị phi thị trường.
- Đặc điểm pháp lý: Đặc điểm pháp lý của doanh nghiệp bao gồm loại hình doanh nghiệp, quy mô vốn điều lệ, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp,…
- Đặc điểm kinh tế-kỹ thuật: Đặc điểm kinh tế-kỹ thuật của doanh nghiệp bao gồm tài sản, nguồn vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh,…
- Đặc điểm thị trường: Đặc điểm thị trường của doanh nghiệp bao gồm quy mô thị trường, tình hình cạnh tranh, nhu cầu của khách hàng,…
- Yêu cầu của khách hàng: Yêu cầu của khách hàng thẩm định giá có thể được ghi nhận trong hợp đồng thẩm định giá.
- Quy định của pháp luật: Quy định của pháp luật có liên quan cần được tuân thủ trong quá trình xác định cơ sở giá trị doanh nghiệp.
Thẩm định viên cần đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp cần được thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá. Thông thường, giá trị của doanh nghiệp thường là giá trị hoạt động liên tục. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá, thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.
Các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần được lựa chọn và áp dụng phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm được thẩm định giá.
5. Các phương pháp định giá doanh nghiệp
Có ba cách tiếp cận chính trong thẩm định giá doanh nghiệp, bao gồm:
- Cách tiếp cận từ thị trường: Giá trị doanh nghiệp được xác định dựa trên giá trị của các doanh nghiệp tương tự đã được giao dịch trên thị trường.
- Cách tiếp cận từ chi phí: Giá trị doanh nghiệp được xác định dựa trên chi phí tái tạo hoặc thay thế doanh nghiệp.
- Cách tiếp cận từ thu nhập: Giá trị doanh nghiệp được xác định dựa trên giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp có thể tạo ra trong tương lai.
Doanh nghiệp được thẩm định giá cần lựa chọn các cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá dựa trên cơ sở là các hồ sơ, tài liệu được cung cấp và thông tin tự thu thập để thẩm định giá trị doanh nghiệp.
Phương pháp định giá bằng tỷ số bình quân
Mục 3 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp Việt Nam số 12 ban hành kèm Thông tư 28/2021/TT-BTC có quy định phương pháp tỷ số bình quân trong định giá doanh nghiệp cụ thể như sau:
Phương pháp định giá theo tỷ số bình quân là phương pháp ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng tỷ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp so sánh.
Các doanh nghiệp so sánh cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Nhất quán với doanh nghiệp được thẩm định giá về ngành nghề kinh doanh chính, rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính và các chỉ số tài chính.
- Có thông tin về giá cổ phiếu giao dịch thành công trên thị trường vào thời điểm thẩm định giá hoặc gần thời điểm đó, nhưng không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
Các tỷ số thị trường cần xem xét để sử dụng trong phương pháp tỷ số bình quân bao gồm tỷ số giá trên giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu bình quân (P/B), tỷ số giá trên doanh thu bình quân (P/S), tỷ số giá trên thu nhập bình quân (P/E), tỷ số giá trị doanh nghiệp trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao bình quân (EV/EBITDA), và tỷ số giá trị doanh nghiệp trên doanh thu (EV/S).
Trường hợp áp dụng phương pháp tỷ số bình quân
Để áp dụng phương pháp tỷ số bình quân, cần có ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Ưu tiên sử dụng các doanh nghiệp so sánh đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Nguyên tắc thực hiện
- Các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh và doanh nghiệp cần thẩm định giá cần được xác định theo cách thức nhất quán.
- Các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh được thu thập từ các nguồn khác nhau cần được rà soát, điều chỉnh để đảm bảo tính nhất quán trước khi đưa vào sử dụng trong thẩm định giá.
Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu doanh nghiệp
Bước 1: Đánh giá và chọn lọc các doanh nghiệp so sánh.
Bước 2: Xác định các tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Bước 3: Thực hiện ước tính giá trị vốn chủ sở hữu dựa trên các tỷ số thị trường phù hợp và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.
Công thức định giá doanh nghiệp dựa theo tỷ số P/E
Phương pháp P/E định giá một doanh nghiệp bằng cách so sánh giá cổ phiếu trên thị trường của doanh nghiệp đó với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cùng ngành trên thị trường.
P/E = Giá một cổ phiếu/ thu nhập trên một cổ phiếu
hoặc
P/E = Tổng giá trị vốn hóa trên thị trường/ Tổng thu nhập ròng
Để áp dụng công thức này, các doanh nghiệp cần có các doanh nghiệp đối thủ trên thị trường đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc sàn UPCom để so sánh.
Phương pháp định giá băng giá giao dịch
Phương pháp định giá doanh nghiệp dựa theo giá giao dịch là cách định giá doanh nghiệp bằng cách ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá dựa trên giá giao dịch khi có sự chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần thành công trên thị trường của chính doanh nghiệp đó.
Áp dụng phương pháp giá giao dịch trong trường hợp nào?
Để áp dụng phương pháp giá giao dịch, doanh nghiệp cần thẩm định giá phải có ít nhất 03 giao dịch thành công liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần trên thị trường. Đồng thời, thời điểm diễn ra các giao dịch này không được quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
Nguyên tắc áp dụng
Thẩm định viên cần xem xét và gợi ý việc điều chỉnh giá của các giao dịch thành công sao cho phù hợp với thời điểm thẩm định giá, nếu cần thiết.
Cách tính giá trị vốn chủ sở hữu
Giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính toán dựa trên giá bình quân dựa trên khối lượng giao dịch của ít nhất 03 giao dịch thành công gần nhất liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần trước với thời điểm thẩm định giá.
Trong trường hợp doanh nghiệp cần định giá là doanh nghiệp đã được niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá thị trường vốn chủ sở hữu sẽ được xác định dựa trên giá giao dịch hoặc giá đóng cửa của cổ phần của doanh nghiệp cần thẩm định giá tại thời điểm thẩm định giá hoặc gần thời điểm đó. Điều này cần phải dựa trên giao dịch của cổ phần này trong khoảng thời gian không quá 30 ngày trước thời điểm thẩm định giá.
Phương pháp định giá bằng tài sản
Phương pháp tài sản là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp cần thẩm định giá dựa trên tổng giá trị của các tài sản nằm trong quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Trong trường hợp xác định giá trị của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ để chuyển đổi thành công ty cổ phần, phương pháp tài sản sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.
Nguyên tắc thực hiện
- Tất cả các tài sản của doanh nghiệp, bao gồm cả tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động đều sẽ được xem xét trong quá trình thẩm định giá.
- Giám đốc (Tổng giám đốc) của doanh nghiệp cần thẩm định giá phải hợp tác để tổ chức kiểm kê và phân loại tài sản đang sở hữu, quản lý, và sử dụng (bao gồm quyền tài sản), cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu và sử dụng tài sản để hỗ trợ quá trình thẩm định.
Trong trường hợp thẩm định viên không có đủ thông tin và tài liệu cần thiết hoặc không có sự hỗ trợ để kiểm tra tài sản, thẩm định viên cần đánh giá và xem xét việc đưa ra các giả định (nếu cần), đồng thời ghi nhận hạn chế này trong báo cáo kết quả thẩm định.
Khi thẩm định doanh nghiệp dựa trên giá trị thị trường của tài sản, giá trị của các tài sản trong sổ sách kế toán cần phải phản ánh đúng giá trị thị trường, trừ những trường hợp đặc biệt khác.
Các bước thực hiện bao gồm
Bước 1: Ước tính tổng giá trị của tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định.
Bước 2: Ước tính tổng giá trị của các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định.
Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Phương pháp tính giá trị theo chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu (DCF) xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng cách ước tính tổng giá trị hiện tại của dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu (FCFE) của doanh nghiệp đó.
Trong trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là công ty cổ phần, phương pháp định giá doanh nghiệp DCF được sử dụng với giả định rằng các cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp đó cũng mang lại quyền lợi như cổ phần thường. Phần giả định này phải ghi rõ trong mục hạn chế của Chứng thư thẩm định giá và bản Báo cáo kết quả thẩm định giá.
Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:
Bước 1: Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp.
Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Bước 3: Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo.
Bước 4: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu. Giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính bằng tổng của giá trị hiện tại của dòng tiền tự do và giá trị hiện tại của giá trị cuối kỳ dự báo.
Công thức tính dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp
FCFE = Lợi nhuận sau thuế + Khấu hao – Chi đầu tư vốn – Khoản chênh lệch vốn hoạt động thuần) – Các khoản trả nợ gốc + Các khoản nợ mới phát hành
Lợi nhuận sau thuế là lợi nhuận sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí, kể cả chi phí thuế và chi phí từ tài sản phi hoạt động. Lợi nhuận trước lãi vay sau thuế (EBIAT) được tính từ lợi nhuận trước lãi vay và thuế (EBIT) như sau:
EBIAT = EBIT x (1-T)
Trong đó, T là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế suất hiệu dụng được sử dụng để tính toán EBIAT trong giai đoạn đã có báo cáo tài chính. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được sử dụng để tính toán EBIAT trong giai đoạn dự báo dòng tiền.
Thiệu dụng = (Lợi nhuận trước thuế – Lợi nhuận sau thuế) / Lợi nhuận trước thuế
Chi đầu tư vốn là các khoản chi phí được sử dụng để đầu tư vào các tài sản dài hạn, bao gồm:
- Tài sản cố định
- Tài sản dài hạn tương tự khác
- Tài sản hoạt động dài hạn khác
- Vốn góp vào đơn vị khác
Công thức tính vốn luân chuyển ngoài tiền mặt và tài sản phi hoạt động ngắn hạn:
Vốn luân chuyển ngoài tiền mặt và tài sản phi hoạt động ngắn hạn = (Các khoản phải thu ngắn hạn + Hàng tồn kho + Tài sản ngắn hạn khác) – Nợ ngắn hạn không bao gồm vay ngắn hạn
Phương pháp tính theo chiết khấu dòng cổ tức
Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức (DDM) được sử dụng để xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định bằng cách chiết khấu dòng cổ tức của doanh nghiệp đó.
Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu
Bước 1: Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định.
Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu
Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
Trường hợp 1: Dòng cổ tức sau giai đoạn dự báo là dòng tiền không tăng trưởng và kéo dài vô tận. Công thức tính giá trị cuối kỳ dự báo là: Vπ = Dπ + 1 / Re
Trường hợp 2: Dòng cổ tức sau giai đoạn dự báo là dòng tiền tăng trưởng đều đặn mỗi năm và kéo dài vô tận. Công thức tính giá trị cuối kỳ dự báo là:
Vπ = Dπ + 1 / Re – g
Trong đó:
- Dn+1: Dòng cổ tức của doanh nghiệp năm n + 1
- g: tốc độ tăng trưởng của dòng cổ tức
Tốc độ tăng trưởng của dòng cổ tức được dự báo dựa trên Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế để lại để bổ sung vốn và Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
Trường hợp 3: Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động vào cuối kỳ dự báo, giá trị cuối kỳ dự báo được xác định bằng giá trị thanh lý của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Bước 4: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng cách tính tổng của giá trị hiện tại của dòng cổ tức và giá trị hiện tại của giá trị cuối kỳ dự báo.
Phương pháp tính theo chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu
Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu (DCF) xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá bằng cách ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu
- Bước 1: Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp căn thẩm định giá.
- Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá
- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo
Công thức tính chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu:
DCF = CF1/(1+r)^1+ CF2/(1+r)^2+ …+ CFn/(1+r)^n
Trong đó:
- DCF – Discounted cash flow: Dòng tiền đã được chiết khấu hay Giá trị của công ty.
- CF – Cash flow: Dòng tiền mà công ty dự kiến có thể tạo ra trong thời gian sắp tới (năm 1, năm 2,… năm n).
- r – discount rate: Tỷ lệ chiết khấu của dòng tiền trong doanh nghiệp
Công thức này thường áp dụng đối với các các doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, tình hình tài chính tương đối tốt, tính thanh khoản cao, có khả năng thanh toán nợ cao và tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh bù đắp hết các loại chi phí.
————————-
Tóm lại, định giá doanh nghiệp là một quy trình quan trọng trong việc đánh giá giá trị của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc xác định, đánh giá giá trị doanh nghiệp. Chúc bạn thành công