Chỉ số ROS là một công cụ quan trọng giúp đánh giá hiệu suất tài chính của một doanh nghiệp và cung cấp thông tin cơ bản về cách tổ chức này quản lý lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Hãy cùng 1Office tìm hiểu về chỉ số ROS là gì, Chỉ số này phản ánh điều gì về tình hình tài chính của doanh nghiệp, Cách tính và ứng dụng thực tế của ROS trong bài viết này nhé
Mục lục
1. Chỉ số ROS là gì? Tại sao chỉ số ROS quan trọng?
Chỉ số ROS (Return on Sales) là một trong những chỉ số quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Chỉ số ROS cho biết, cứ 1 đồng doanh thu thuần thu được từ hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp có được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Hay nói cách khác, lợi nhuận chiếm bao nhiêu phần trăm trên doanh thu.
ROS được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm (%). Mức ROS càng cao, thể hiện rằng doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và có khả năng sinh lời cao, lợi nhuận lớn, cũng như có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, làm cho việc đầu tư vào doanh nghiệp trở nên hấp dẫn.
Ví dụ: ROS = 20% có nghĩa là mỗi 10 đồng doanh thu thuần mang lại 2 đồng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
ROS là một chỉ số tài chính quan trọng, biểu thị mức hiệu quả của doanh nghiệp trong việc tạo ra lợi nhuận thực tế. Ngoài ra, nó cũng phản ánh khả năng quản lý chi phí của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có khả năng bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn, lợi nhuận sẽ tăng lên. Điều này làm cho ROS trở thành một chỉ số quan trọng vừa thể hiện khả năng sinh lời vừa phản ánh hiệu suất hoạt động của công ty. Cách sử dụng ROS là tính toán nó qua các kỳ kinh doanh (tháng/quý/năm) và sau đó so sánh với các kỳ trước đó để đánh giá sự cải thiện hoặc sự suy giảm trong hiệu suất tài chính của doanh nghiệp.
2. Ý nghĩa của chỉ số ROS trong báo cáo tài chính
Chỉ số ROS có ý nghĩa quan trọng trong báo cáo tài chính vì nó cung cấp thông tin quan trọng về hiệu suất tài chính của doanh nghiệp. Chỉ số ROS trong báo cáo tài chính của một doanh nghiệp có tác dụng:
- Đo lường hiệu suất lợi nhuận: ROS cho biết mức lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể tạo ra từ mỗi đơn vị doanh thu. Nó giúp xác định xem liệu doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận đủ lớn để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh hay không.
- So sánh với ngành: ROS cho phép so sánh hiệu suất của doanh nghiệp với các đối thủ trong cùng ngành. Điều này giúp xác định xem doanh nghiệp có cạnh tranh tốt hơn hay kém hơn so với doanh nghiệp khác.
- Dự đoán tương lai: Mức ROS cao có thể dự đoán sự phát triển tích cực trong tương lai. Nó có thể làm cho doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư hoặc nguồn vốn ngoại vi.
- Đo lường hiệu suất quản lý: Mức ROS phản ánh khả năng của ban lãnh đạo và quản lý của doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa các nguồn lực và quy trình kinh doanh.
- Cơ sở để điều chỉnh chiến lược, tối ưu chi phí kinh doanh/vận hành: ROS là một công cụ mạnh mẽ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Khi ROS thấp, doanh nghiệp có thể xem xét điều chỉnh giá sản phẩm, cắt giảm chi phí không cần thiết.
3. Cách tính ROS chuẩn khi phân tích tài chính
Công thức tính chỉ số ROS
Để tính chỉ số ROS, bạn cần lấy lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế) và chia cho doanh số bán hàng. Công thức cụ thể như sau:
ROS = (Lợi nhuận sau thuế / Doanh thu thuần) x 100% (đơn vị: %)
Trong đó:
- Doanh thu thuần = Doanh thu bán hàng thực tế – Các khoản giảm trừ doanh thu.
- Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế – Tổng tiền thuế phải đóng + các khoản thuế bị hoãn lại.
Ví dụ: Theo dữ liệu báo cáo tài chính của Vinamilk năm 2021 có doanh thu đạt hơn 60.919 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10.632 tỷ.
ROS = (10 632 / 60 919) x 100% = 17%
Phân tích chỉ số ROS âm, dương trong báo cáo tài chính
Chức năng chính của ROS là thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá hiệu quả và khả năng sinh lời của họ. Chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đọc và phân tích chỉ số ROS của một công ty như sau:
Trường hợp ROS âm (ROS < 0%)
Nếu ROS âm, điều này cho thấy doanh nghiệp đang ghi nhận lỗ, và có thể cho thấy rằng quản lý doanh nghiệp không hiệu quả trong việc kiểm soát các khoản chi phí, bao gồm chi phí bán hàng, chi phí đầu vào, chi phí quản lý,… ROS âm cũng phản ánh rằng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả nợ. Điều này đòi hỏi quản lý kịp thời và có biện pháp cải thiện hiệu suất.
Trường hợp ROS dương (ROS > 0%)
Chỉ số ROS dương nói lên rằng doanh nghiệp đang kinh doanh có lãi. ROS dương cho thấy doanh nghiệp có khả năng trả nợ và tạo ra lợi nhuận từ doanh số bán hàng. Điều này cũng có thể là một chỉ số về sự hiệu quả trong quản lý chi phí và tối ưu hóa lợi nhuận. Đặc biệt, chỉ số ROS càng cao càng chứng minh mức độ hiệu quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó càng tốt.
Do giá trị doanh thu thuần luôn là giá trị dương, thế nên ROS âm hay dương sẽ phụ thuộc vào giá trị của lợi nhuận sau thuế. Khi một công ty mới hoạt động và doanh thu còn hạn chế, công ty thường phải đối mặt với nhiều chi phí đầu vào, quản lý, bán hàng, cơ sở sản xuất,… có thể dẫn đến tình trạng ROS âm. Tuy nhiên, nếu công ty đã hoạt động trong một khoảng thời gian dài mà ROS vẫn duy trì ở mức âm, thì cần phải xem xét nguyên nhân điều này.
Chúng ta chỉ thực sự quan tâm tới ROS nếu so sánh chúng qua từng thời kỳ (tháng, quý năm). Thông thường, bạn nên so sánh trong vòng 5 kỳ liên tiếp để xem chỉ số này đã được cải thiện hay giảm dần. Nếu ROS giảm, cả kể doanh thu vẫn báo tăng, có thể thấy công ty đó đang chi tiêu quá nhiều mà không thu lại đồng lợi nhuận nào.
Nếu ROS lớn hơn 0 và có xu hướng tăng qua từng kỳ kế toán, thì điều này là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu chỉ số này giảm dần, đó có thể là dấu hiệu của hoạt động kinh doanh kém hiệu quả hơn trong quá khứ. Bạn cũng cần chú ý đến bất kỳ năm nào mà ROS thấp hơn hoặc cao hơn đột ngột so với các năm khác. Trong trường hợp này, cần thực hiện nghiên cứu để xác định những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong năm đó. Sau đó, đánh giá xem những yếu tố tạo đột biến này có thể lặp lại trong tương lai không.
Thế nào là một chỉ số ROS tốt?
Câu hỏi “Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?” không thể được trả lời ngay lập tức với một con số cụ thể, bởi vì mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp đều có kết quả hoạt động riêng biệt. Chúng ta có thể so sánh nó với:
Chỉ số trung bình ngành
Doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể thường phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các tổ chức khác. Chỉ số trung bình ngành xác định giá trị trung bình của một ngành định sẵn, và làm cơ sở cho việc so sánh hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp trong cùng một ngành.
Nếu chỉ số ROS của một doanh nghiệp cao hơn so với mặt bằng trung bình ngành, điều này cho thấy công ty đang hoạt động tốt hơn so với các tổ chức khác trong cùng ngành. Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ trong một số ngành như xây dựng, thương mại, và sản xuất, chỉ số ROS có thể cao hơn so với trung bình ngành và là dấu hiệu bình thường.
Chiến lược của doanh nghiệp
Mặc dù ROS âm có thể cho thấy doanh nghiệp ghi nhận lỗ, điều này chưa chắc là một tín hiệu xấu. Nó phụ thuộc vào chiến lược cụ thể của công ty và kết quả kinh doanh tương ứng. Một ví dụ cụ thể từ thị trường là việc VNG đầu tư gần 400 tỷ đồng vào Tiki năm 2017. Sau một thời gian, Tiki báo lỗ hơn 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Tiki được mua lại với giá gấp 4 lần giá cổ phiếu ban đầu. Điều này có nghĩa là khoản đầu tư của VNG đã mang lại lợi nhuận lớn hơn 300% mặc dù Tiki ghi nhận lỗ. Nếu chiến lược của công ty là chiếm lĩnh thị trường, ROS có thể âm, nhưng nếu chiến lược là tối đa hóa lợi nhuận, ROS có thể tăng lên mức cao nhất.
Trong trường hợp chỉ sử dụng ROS độc lập, công ty được coi là mạnh mẽ khi ROS vượt qua mức 10%. Sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp thường phản ánh một cách đáng tin cậy mức lợi nhuận trên doanh thu. Một doanh nghiệp phát triển ổn định thường có lợi nhuận sau thuế có sự tăng trưởng đều đặn. Chỉ số ROS trong từng năm hoặc từng quý thể hiện rõ hơn sự ổn định này. Nếu không có sự gia tăng theo thời gian, có thể cho thấy tổ chức đang hoạt động không tốt. Một xu hướng ổn định của chỉ số ROS trong khoảng thời gian từ 3-5 năm là điều quan trọng trong dài hạn.
Nếu doanh nghiệp hoạt động theo một chu kỳ cụ thể và có sự biến động đột ngột, lợi nhuận có thể tăng mạnh trong một thời kỳ và giảm nhanh trong thời kỳ khác. Trong trường hợp này, việc phân tích chỉ số ROS trong khoảng thời gian từ 3-7 năm mới là hợp lý. Nếu doanh nghiệp có các khoản thu nhập bất thường hoặc đột biến, không nên tính chỉ số ROS bằng khoản doanh thu này.
4. Mối tương quan giữa ROS với các chỉ số ROA, ROE, ROI
Bên cạnh ROS, chúng ta còn sử dụng các chỉ số ROA, ROI, và ROE để đánh giá sự hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp. Cả ba chỉ số này đều liên quan đến lợi nhuận của doanh nghiệp (R – Return). Tuy nhiên, ROA, ROE và ROI được tính toán dựa trên tài sản của doanh nghiệp, trong khi ROS đánh giá hiệu suất dựa vào kết quả kinh doanh.
Mối tương quan giữa ROS và ROA
ROA là viết tắt của “Tỷ suất Lợi nhuận trên Tài sản” (Return On Asset), đo lường khả năng của một doanh nghiệp sinh lời từ mỗi đơn vị tài sản. Chỉ số này cho biết với một đồng tài sản doanh nghiệp đầu tư, nó sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Nếu tỷ suất này cao, điều này cho thấy lợi nhuận sau thuế đang tăng, doanh nghiệp đang quản lý chi phí hiệu quả. Ngược lại, nếu tỷ suất này giảm, điều này có nghĩa lợi nhuận sau thuế đang giảm, thậm chí có thể thâm hụt so với số vốn đã được đầu tư.
Công thức tính chỉ số ROA:
ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản
Chỉ số ROA luôn tỷ lệ thuận với ROS, tức là sẽ tăng hoặc giảm cùng nhau. Ví dụ, xem xét các doanh nghiệp trong ngành ngân hàng và tài chính. Đặc điểm của họ thường là tài sản chủ yếu là tiền mặt, và tiền mặt là nguồn tạo ra doanh thu chính. Chẳng hạn, ngân hàng tạo ra lợi nhuận bằng cách cho vay tiền. Trong tình huống này, tỷ suất ROA cao thường dẫn đến tỷ suất ROS cao.
Mối tương quan giữa ROS và ROE
ROE, viết tắt của Return on Equity, là tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu của doanh nghiệp. ROE cho thấy khả năng sử dụng vốn một cách hiệu quả của doanh nghiệp và đồng thời thể hiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp so với các đối thủ trong cùng ngành.
Công thức tính chỉ số ROE:
ROE = Lợi nhuận sau thuế / Tổng vốn chủ sở hữu
Nếu ROS tăng lên, điều này có thể dẫn đến sự tăng ROE, với điều kiện không có sự tăng lên đáng kể trong cơ cấu vốn sở hữu. Khi doanh nghiệp tạo ra nhiều lợi nhuận hơn từ doanh số bán hàng mà không cần thay đổi cơ cấu vốn, ROE sẽ cải thiện.
Tuy nhiên, nếu ROS tăng lên mà doanh nghiệp tăng cơ cấu vốn sở hữu mạnh mẽ để đầu tư trong mở rộng hoặc phát triển, ROE có thể không thay đổi hoặc giảm. Việc tăng vốn sở hữu có thể làm giảm tỷ lệ ROE khi lợi nhuận được chia sẻ giữa nhiều cổ đông hơn.
Mối tương quan giữa ROS và ROI
ROI, viết tắt của Return On Investment, đo lường tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư. Chỉ số này thường được sử dụng để đánh giá mức độ hiệu quả của một khoản đầu tư.
Ví dụ, trong năm 2022, công ty A đầu tư 100 triệu đồng vào công ty B dưới hình thức mua cổ phiếu với giá 20,000 đồng/cổ phiếu. Sau 5 năm, giá cổ phiếu của công ty B tăng lên mức 30,000 đồng/cổ phiếu. Khi công ty A bán toàn bộ cổ phần của mình, họ thu được 150 triệu đồng. Vậy ROI của công ty A là 50/100 = 50%.
Ở góc độ của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư tài chính là hai khía cạnh độc lập nhưng nhiều người dễ phân tích nhầm lẫn giữa hai chỉ số này. ROI thể hiện hiệu suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư, trong khi ROS thể hiện hiệu suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Do đó, ROS cao không nhất thiết có nghĩa là ROI cũng cao, và ngược lại.
5. Quản lý thu chi hiệu quả với 1Office CRM
Để quản lý dòng tiền doanh thu một cách hiệu quả, doanh nghiệp có thể sử dụng các phần mềm hỗ trợ với đầy đủ các tính năng thông minh ví dụ như 1Office CRM – Công cụ tích hợp tính năng quản lý thu chi chi tiết, báo cáo nâng cao, trích xuất hóa đơn,… giúp các doanh nghiệp quản lý doanh thu bán hàng dễ dàng, chính xác và nhanh chóng.
Với giao diện thân thiện và dễ sử dụng, 1Office giúp bạn quản lý tất cả các giao dịch thu chi trên một hệ thống duy nhất. Bạn có thể cập nhật ngay lập tức mọi hoạt động liên quan đến luồng tiền. Đặc biệt, 1Office đảm bảo tính minh bạch của từng giao dịch thu và chi, đồng thời bảo vệ thông tin một cách tuyệt đối. Điều này giúp bạn tiết kiệm thời gian khi khởi tạo và phê duyệt giao dịch, đồng thời giảm thiểu chi phí liên quan đến giấy tờ, mực in, và thiết bị lưu trữ.
Bức tranh toàn cảnh về hiện trạng chi tiêu của tháng, quý, năm đều được cập nhật tự động trên phần mềm 1Office. Chủ doanh nghiệp giờ đây có thể nắm bắt chặt chẽ tất cả hoạt động kinh doanh, mua bán, từ đó dễ dàng biết được ngân sách đã vượt bao nhiêu, dễ dàng tính toán chính xác được các chỉ số ROS, ROA, ROE, ROI.
Trên đây là toàn bộ thông tin về chỉ số ROS mà 1Office đúc kết sau quá trình nghiên cứu, tổng hợp, đúc kết. Hy vọng bài viết sẽ đem lại cho bạn nhiều giá trị trong quá trình phân tích chỉ số ROS cũng như phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chúc bạn thành công!