083.483.8888
Đăng ký

Hiện nay, bên cạnh các yếu tố như lương thưởng, môi trường làm việc,… chế độ phúc lợi cũng là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng tới quyết định ứng tuyển và thời gian gắn bó với doanh nghiệp của người lao động. Bài viết dưới đây của 1Office sẽ cung cấp thông tin và giúp bạn trả lời bạn các câu hỏi như: phúc lợi là gì? có bao nhiêu loại phúc lợi? làm thế nào để tối ưu chế độ phúc lợi cho doanh nghiệp?

1. Các định nghĩa liên quan đến phúc lợi 

1.1. Phúc lợi là gì? 

Phúc lợi là các chính sách và chế độ đãi ngộ được thiết kế nhằm đảm bảo sự an toàn về tài chính, chăm sóc sức khỏe và cung cấp các tiện ích cần thiết cho cá nhân. Các chính sách này thường được áp dụng cho hai nhóm đối tượng chính: 

  • Phúc lợi cho nhân viên: Các chế độ đãi ngộ dành cho lao động trong tổ chức hoặc doanh nghiệp. Chế độ này thường bao gồm bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương thưởng, ngày nghỉ phép và các hỗ trợ khác nhằm cải thiện điều kiện làm việc và đảm bảo sự ổn định tài chính cho nhân viên. 
  • Phúc lợi xã hội: Đây là các chính sách dành cho công dân trong một quốc gia, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Các chương trình này thường bao gồm: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp hưu trí và các hỗ trợ tài chính khác, giúp công dân ổn định cuộc sống và đối phó với các rủi ro kinh tế có thể xảy ra. 
Phúc lợi là gì?
Phúc lợi là gì?

1.2. Phúc lợi cho nhân viên là gì?

Phúc lợi cho nhân viên hay Employee benefits được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) định nghĩa là “Các loại cơ sở vật chất, các dịch vụ, tiện nghi được xây dựng theo cam kết để tạo điều kiện cho người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh, cũng như tận dụng các lợi ích có sẵn để cải thiện sức khỏe, tinh thần và năng suất làm việc.”

Tại các doanh nghiệp, phúc lợi chính là một tập các chính sách và chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như giữ chân người lao động. Những chính sách này không chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật mà còn được thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa và khả năng tài chính của từng doanh nghiệp. 

Các phúc lợi thường bao gồm việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chẳng hạn như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm hưu trí, giúp nhân viên có sự bảo vệ trước các rủi ro trong cuộc sống. Ngoài ra, chế độ lương thưởng, nghỉ phép, du lịch, các khoản phúc lợi,… cũng là một phần quan trọng trong chế độ phúc lợi nhằm động viên và tạo động lực cho người lao động. 

Thông thường, phúc lợi sẽ chiếm tới 30% thù lao tài chính của người lao động. Hiện nay, tại nhiều các quốc gia phát triển, khi tiền công/lương của nhân viên ở mức cao, các tổ chức, doanh nghiệp thường có xu hướng tăng phúc lợi nhằm khuyến khích sự cống hiến và giữ chân nhân tài. 

1.3. Quỹ phúc lợi là gì?

Khái niệm về quỹ phúc lợi
Khái niệm về quỹ phúc lợi

Thông thường, tại các doanh nghiệp, quỹ phúc lợi là một khoản tiền được các doanh nghiệp hoặc tổ chức trích lập từ lợi nhuận hàng năm, nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Quỹ này thường được sử dụng để chi trả cho các hoạt động phúc lợi như: hỗ trợ CBCNV gặp khó khăn, thăm hỏi đau ốm, tổ chức du lịch, khen thưởng, tặng quà trong các dịp lễ, đám hiếu hỷ cùng những khoản chi phí khác có tính phúc lợi theo quy định của Bộ Tài Chính.

Theo quy định của pháp luật, quỹ phúc lợi thường được trích từ phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp . Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Doanh nghiệp (2020), tỷ lệ trích lập quỹ phúc lợi thông thường không vượt quá 5% lợi nhuận sau thuế (tỷ lệ này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn và quy định cụ thể).

Quỹ phúc lợi thường được doanh nghiệp thành lập, quản lý và điều chỉnh bởi quy chế tài chính nội bộ của doanh nghiệp, được xây dựng với sự đồng thuận của các tổ chức công đoàn và đại diện người lao động, khác với các khoản bắt buộc như BHXH, BHYT, hay bảo hiểm thất nghiệp mà doanh nghiệp phải đóng theo quy định. 

1.4. Lương phúc lợi là gì?

Lương phúc lợi hay còn được gọi là lương tháng thứ 13 là khoản thưởng đã được thỏa thuận từ đầu giữa người lao động và doanh nghiệp. Người lao động thường được nhận khoản thưởng này vào cuối năm hoặc thời điểm nhất định, dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc, chỉ tiêu của người lao động. 

Nếu doanh nghiệp thua lỗ hoặc nhân viên không hoàn thành nhiệm vụ, khoản thưởng này có thể sẽ không được chi trả. 

1.5. Tài sản cố định phúc lợi là gì?

Tài sản cố định phục lợi là gì?
Tài sản cố định phục lợi là gì?

Tài sản cố định phúc lợi là những tài sản vật chất mà doanh nghiệp đầu tư nhằm phục vụ các nhu cầu phúc lợi cho người lao động, chẳng hạn như các phương tiện đi lại, các cơ sở vật chất phục vụ cho công việc và đời sống của họ. Các tài sản này có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, được sử dụng trong thời gian trên 1 năm và không chỉ sử dụng trong chu kỳ sản xuất. 

Doanh nghiệp có thể trích khấu hao các tài sản cố định này theo quy định của Bộ Tài chính.  Với một số ngoại lệ cho các tài sản phục vụ phúc lợi chung như nhà ăn, xe đưa đón, nhà để xe, và được dùng trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể trích khấu hao và tính vào chi phí kinh doanh dựa trên thời gian và mức độ sử dụng của tài sản. 

1.6. Nhà nước phúc lợi là gì?

Nhà nước phúc lợi là một mô hình chính trị – xã hội, trong đó chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ quyền lợi và cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho công dân. Nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện về việc tạo ra và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời đảm bảo chính sách an sinh xã hội. Điều này được thực hiện thông qua các chính sách và dịch vụ xã hội bao gồm chăm sóc y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội và các hỗ trợ khác để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. 

Nhà nước phúc lợi không chỉ cung cấp phúc Các phúc lợi xã hội có thể được cung cấp không chỉ bởi nhà nước mà còn bởi sự hợp tác giữa các tổ chức công và tư nhân, các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, và cá nhân.

Mục tiêu của nhà nước phúc lợi là tạo ra một xã hội công bằng, trong đó mọi người đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ cơ bản để cải thiện cuộc sống và phát triển cá nhân.

2. Các loại phúc lợi tại doanh nghiệp

2.1. Chế độ phúc lợi bắt buộc

Chế độ phúc lợi bắt buộc được Bộ Luật lao độngLuật bảo hiểm xã hội Việt Nam định nghĩa là các chế độ phúc lợi được quy định bởi pháp luật và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện đối với người lao động.

Phúc lợi bắt buộc bao gồm các chế độ phúc lợi cơ bản về việc đóng 5 loại bảo hiểm xã hội bắt buộc cho nhân viên theo quy định của Pháp luật như: 

  • Trợ cấp ốm đau: Khoản trợ cấp này được chi trả cho người lao động khi họ không may bị ốm đau, tai nạn (không phải tai nạn lao động) hoặc phải chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi bị ốm đau, không thể đi làm. 
  • Trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp: Người lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc hoặc mắc các bệnh nghề nghiệp do môi trường làm việc gây ra sẽ được hưởng trợ cấp từ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 
  • Chế độ thai sản: Người lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con. Lao động nam cũng được hưởng chế độ này khi vợ sinh con. 
  • Chế độ hưu trí: Khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu và đã đóng đủ số năm bảo hiểm xã hội theo quy định, họ sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng. 
  • Chế độ tử tuất: Khi người lao động không may qua đời, thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: trợ cấp chi phí mai táng và trợ cấp tuất tháng hoặc một lần. 

Dưới đây là bảng tóm tắt các quy định mới nhất về tỷ lệ đóng, mức đóng, đối tượng tham gia đối với các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN). Các thông tin này được cập nhật theo các quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Việc làm 2013, Nghị định 58/2020/NĐ-CP, và Nghị định 143/2018/NĐ-CP.

Loại bảo hiểm  Người lao động đóng  Người sử dụng lao động đóng  Tổng tỷ lệ đóng  Đối tượng tham gia  Mức lương đóng 
BHXH bắt buộc  8% 17% 25% – Người lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên

– Cán bộ, công chức, viên chức

– Mức lương tháng tối thiểu: Bằng lương tối thiểu vùng (hiện nay từ 4.160.000 đồng, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP)

– Mức tối đa: 20 lần lương cơ sở

BHYT 1.5% 3% 4.5% – Người lao động

– Cán bộ, công chức, viên chức

– Người thuộc hộ gia đình nghèo, học sinh, sinh viên

– Tính dựa trên lương tháng, không thấp hơn lương tối thiểu vùng và không vượt quá 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay 360.000 đồng/tháng)
BHTNLĐ

BHNN

0% 0.5% 0.5% – Người lao động làm việc theo hợp đồng từ 1 tháng trở lên – Mức lương tháng tối thiểu: Bằng lương tối thiểu vùng

– Mức tối đa: 20 lần lương cơ sở

BHTN (Bảo hiểm thất nghiệp) 1% 1% 2% – Người lao động làm việc theo hợp đồng từ 3 tháng trở lên – Mức lương tháng tối thiểu: Bằng lương tối thiểu vùng

– Mức tối đa: 20 lần lương cơ sở

2.2. Chế độ phúc lợi tự nguyện 

Phúc lợi tự nguyện được hiểu là những khoản, những chính sách hỗ trợ hoặc chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp cung cấp cho người lao động bên cạnh những chế độ, quyền lợi bắt buộc theo pháp luật quy định. Những phúc lợi này nhằm tạo động lực, nâng cao sự hài lòng và giữ chân nhân viên.

Phúc lợi tự nguyện có thể được chia làm hai loại chính: phúc lợi trả bằng tiền mặt và phúc lợi cung cấp gián tiếp. 

Phúc lợi bằng tiền mặt 

  • Chế độ lương thưởng: Đây là khoản thêm ngoài lương cơ bản, được chi trả khi người lao động hoàn thành, đạt thành tích tốt, vượt mục tiêu công việc, hoặc có sáng kiến cải tiến trong quá trình làm việc. 
  • Trợ cấp ăn trưa, đi lại: Doanh nghiệp hỗ trợ các khoản trợ cấp cho chi phí ăn trưa, chi phí đi lại để giúp người lao động giảm bớt gánh nặng tài chính. Khoản hỗ trợ này thường dao động từ 500.000 VND – 1.000.000 VND tùy vào từng doanh nghiệp. 
  • Trợ cấp nuôi con nhỏ: Doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm cho nhân viên có con nhỏ, nhằm giúp họ giảm bớt áp lực tài chính trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
  • Thưởng ngày lễ: Vào các dịp lễ lớn như 30/4, 2/9, Tết dương lịch, doanh nghiệp thường chi thưởng để động viên tinh thần làm việc và tạo động lực cho CBCNV. 
  • Thưởng Tết: Đây là khoản thưởng quan trọng vào cuối năm, khoản tiền này giúp người lao động có thêm tài chính để chi tiêu vào dịp Tết. Thông thường, doanh nghiệp sẽ thưởng ít nhất 1 tháng lương hoặc tùy theo thâm niên và hiệu suất công việc của nhân viên. 
  • Tăng lương định kỳ: Các doanh nghiệp có thể tăng lương 1 hoặc 2 lần mỗi năm để khuyến khích nhân viên phát triển và gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thể tăng lương ngay lập tức cho nhân viên xuất sắc. 

Phúc lợi gián tiếp

Đây là những lợi ích không trực tiếp trả bằng tiền, nhưng có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và công việc của người lao động, góp phần duy trì sự hài lòng và động lực làm việc. Một số phúc lợi gián tiếp phổ biến có thể kể đến bao gồm:

Chế độ phúc lợi gián tiếp dành cho nhân viên
Chế độ phúc lợi gián tiếp dành cho nhân viên
  • Bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên và gia đình: nhiều doanh nghiệp hiện nay cung cấp gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp cho nhân viên và trong một số trường hợp, mở rộng cho quả người thân của họ. Điều này giúp giảm gánh nặng chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân viên. 
  • Nghỉ phép năm: Doanh nghiệp có thể cung cấp cho nhân viên nhiều hơn số ngày nghỉ phép theo luật định, thường là 15-20 ngày nghỉ phép/năm, cùng với một số các ngày phép đặc biệt khác.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình khám sức khỏe định kỳ, giúp nhân viên theo dõi và chăm sóc sức khỏe của mình. Một số doanh nghiệp lớn đăng ký khám tại các bệnh viện lớn, đảm bảo chất lượng y tế tốt nhất cho người lao động. 
  • Du lịch, team-building: Các chế độ như du lịch hoặc team-building theo quý hoặc hàng năm giúp kết nối nhân viên, cải thiện tinh thần đồng đội và tạo điều kiện cho CBCNV nghỉ ngơi sau những ngày làm việc căng thẳng. 
  • Các phúc lợi khác: một số phúc lợi khác bao gồm các chương trình đào tạo nội bộ, thưởng cổ phiếu, cung cấp gói tập gym, spa, chăm sóc sức khỏe tinh thần.

3. Tầm quan trọng của chế độ phúc lợi 

3.1. Tầm quan trọng của phúc lợi đối với nhân viên

  • An tâm về tài chính và cuộc sống: Các chế độ như BHYT, BHXH giúp người lao động và gia đình cảm thấy an tâm, được bảo vệ khỏi các rủi ro, đảm bảo thu nhập trong những trường hợp không hay, từ đó tập trung công hiến. 
  • Cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất: Nhờ các chế độ phúc lợi, người lao động được đảm bảo về sức khỏe, được chăm sóc y tế, giảm lo âu và căng thẳng, giúp CBCNV tập trung hơn vào công việc và nâng cao năng suất.
  • Nâng cao mức sống: Bên cạnh mức lương cơ bản, các gói phúc lợi bổ sung như bảo hiểm sức khỏe, nghỉ phép, lương thưởng,… sẽ góp phần giúp nhân viên cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Nâng cao hiệu suất và sự gắn bó đối với doanh nghiệp: Khi cảm thấy được quan tâm và hỗ trợ, người lao động sẽ có xu hướng cống hiến và gắn bó hơn với công ty, góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, đoàn kết và hợp tác.

3.2. Tầm quan trọng của phúc lợi đối với doanh nghiệp

  • Thu hút nhân tài và giảm chi phí tuyển dụng: Với chính sách phúc lợi hấp dẫn, doanh nghiệp hoàn toàn có thể dễ dàng thu hút các ứng viên chất lượng, từ đó giảm thiểu chi phí và thời gian dành cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự mới. 
  • Giữ chân nhân viên giỏi: Phúc lợi tốt giúp tăng sự hài lòng của nhân viên, giảm tỷ lệ rời bỏ, nghỉ việc, tăng mức độ gắn bó và sự ổn định của đội ngũ lao động . 
  • Tăng năng suất và hiệu quả làm việc: Khi được đảm bảo các vấn đề an sinh, nhân viên sẽ có xu hướng làm việc với tinh thần tốt hơn, ít nghỉ ốm, từ đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc.
  • Phát triển văn hóa doanh nghiệp: Chính sách phúc lợi giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa làm việc lành mạnh, tích cực, khuyến khích sự gắn bó, đoàn kết, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ phúc lợi của nhân sự  

Quy mô và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp lớn thường có nhiều khả năng cung cấp phúc lợi đa dạng hơn bởi họ có nguồn lực lớn và có thể dễ dàng tiếp cận các gói phúc lợi khác nhau. Bên cạnh đó, khả năng cung cấp phúc lợi cũng phụ thuộc vào tình hình tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có lợi nhuận cao và nguồn vốn mạnh thường dễ dàng chi trả cho các gói phúc lợi mở rộng, bao gồm bảo hiểm y tế, thưởng và các dịch vụ hỗ trợ nhân viên khác. 

Văn hóa và giá trị doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp coi trọng việc phát triển con người thường có xu hướng xây dựng các chương trình phúc lợi tốt nhằm tạo môi trường làm việc tích cực, giữ chân nhân tài và tăng sự hài lòng của nhân viên. Điều này có thể bao gồm phúc lợi về đào tạo, phát triển kỹ năng hoặc hỗ trợ tinh thần. 

Ngành nghề và đặc thù công việc 

Một số ngành nghề đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp các loại phúc lợi đặc biệt hơn nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động. Ví dụ, các ngành công nghiệp nặng, xây dựng, hoặc sản xuất thường cần cung cấp bảo hiểm tai nạn, y tế, và các chương trình hỗ trợ an toàn lao động, 

Cạnh tranh trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài 

Cạnh tranh trong thu hút và giữ chân nhân tài ảnh hưởng đến chế độ phúc lợi
Cạnh tranh trong thu hút và giữ chân nhân tài ảnh hưởng đến chế độ phúc lợi

Đứng trước bối cảnh thị trường lao động đầy cạnh tranh, việc cung cấp phúc lợi hấp dẫn đang là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thu hút các ứng viên tiềm năng. Đồng thời, với những doanh nghiệp mong muốn duy trì lực lượng lao động ổn định, việc đầu tư vào chế độ phúc lợi là vô cùng quan trọng và cần thiết. 

Yêu cầu pháp lý và quy định của chính phủ

Mỗi quốc gia có các quy định khác nhau về phúc lợi mà doanh nghiệp cần cung cấp và bảo đảm bảo cho người lao động. Một số phúc lợi được chính phủ hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, chẳng hạn như BHYT, phúc lợi giáo dục. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp cung cấp phúc lợi nhằm giảm chi phí tài chính và nâng cao sức hấp dẫn đối với nhân viên. 

Xu hướng và kỳ vọng từ người lao động

Xu hướng hiện nay cho thấy đa phần người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ ngày càng quan tâm đến các phúc lợi mềm như: môi trường, thời gian làm việc linh hoạt, chăm sóc sức khỏe tinh thần, và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Doanh nghiệp cần không ngừng bắt kịp xu hướng này để đáp ứng kỳ vọng của nhân viên, từ đó nâng cao sự hài lòng và gắn kết. 

Chi phí và hiệu quả của các chương trình phúc lợi 

Việc cung cấp phúc lợi đòi hỏi doanh nghiệp cần tính toán cẩn thận về chi phí triển khai, cũng như hiệu quả đem lại về mặt lâu dài. Đồng thời việc đánh giá hiệu quả của các chương trình phúc lợi cũng đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc chi tiêu và điều chỉnh các chính sách phúc lợi sao cho hợp lý.

5. Quy trình xây dựng phúc lợi cho nhân viên  

Xây dựng chế độ phúc lợi hiệu quả cho doanh nghiệp là một quy trình quan trọng nhằm đảm bảo rằng phúc lợi không chỉ phù hợp với nhu cầu, xu hướng chung mà còn cần phù hợp với khả năng tài chính và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Quy trình này bao gồm nhiều bước có tính hệ thống nhằm xác định, thiết lập và triển khai các chương trình phúc lợi một cách tối ưu. Sau đây là quy trình gồm 8 bước mà bạn có thể tham khảo và ứng dụng tại doanh nghiệp của mình: 

Bước 1: Phân tích và đánh giá hiện trạng 

Trước khi xây dựng chương trình phúc lợi, doanh nghiệp cần đánh giá các chương trình hiện tại và tình hình của doanh nghiệp về phúc lợi của nhân viên: 

  • Đánh giá nhu cầu của nhân viên: Thu thập dữ liệu về mong muốn, nhu cầu và mức độ hài lòng của nhân viên đối với chế độ phúc lợi hiện tại. Điều này có thể được thực hiện qua khảo sát, phỏng vấn hoặc trao đổi nhóm tập trung. 
  • Xác định các chương trình phúc lợi đang có: Xem xét các chương trình phúc lợi hiện tại của doanh nghiệp, bao gồm: các gói bảo hiểm bắt buộc/tự nguyện, tiền thưởng, nghỉ phép, …
  • Phân tích chi phí và mức độ hiệu quả: Tinh toán chi phí hiện tại của doanh nghiệp hiện đang chi trả cho các chương trình phúc lợi, đồng thời xem xét lợi ích, hiệu quả về mặt tài chính, phi tài chính của các chương trình này đối với hiệu suất và mức độ gắn bó của nhân viên. 

Bước 2: Xác định mục tiêu và chiến lược phúc lợi 

Xác định mục tiêu và chiến lược phúc lợi
Xác định mục tiêu và chiến lược phúc lợi

Dựa trên những kết quả phân tích hiện trạng, doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu của mình đối với chế độ phúc lợi, các mục tiêu chính có thể bao gồm: 

  • Mục tiêu giữ chân nhân tài: Phúc lợi có thể được sử dụng như một công cụ với mục đích thu hút và giữ chân nhân tài. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực, ngành hàng cạnh tranh cao, thì mục tiêu này được cân nhắc là ưu tiên hàng đầu. 
  • Mục tiêu nâng cao sự hài lòng và hiệu suất: Phúc lợi cần được thiết kế sao cho cân bằng giữa đời sống và công việc của nhân viên, từ đó cải thiện tinh thần và hiệu suất làm việc.
  • Mục tiêu tuân thủ pháp luật: Các doanh nghiệp cần đảm bảo các chế độ phúc lợi tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành của nhà nước về bảo hiểm, lương thưởng và các quyền lợi tối thiểu của người pháp luật. 

Bước 3: Xác định ngân sách

Doanh nghiệp sẽ cần xác định mức ngân sách phù hợp đối với thực trạng, chi phí hiện tại: 

  • Dự báo ngân sách: Cân nhắc khả năng tài chính của doanh nghiệp và dự đoán ngân sách cần thiết để cung cấp các chương trình phúc lợi hiệu quả. 
  • Phân bổ ngân sách: Phân bổ chi tiêu cho từng loại phúc lợi, chẳng hạn như bảo hiểm y tế, thưởng hiệu suất hay các chương trình hỗ trợ phát triển cá nhân. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xem xét đến sự cân đối giữa phúc lợi vật chất và phi vật chất. 

Bước 4: Thiết kế và xây dựng chương trình phúc lợi 

Dưa trên các mục tiêu và ngân sách đề ra, doanh nghiệp tiến hành thiết kế chương trình, chế độ phúc lợi chi tiết bao gồm: 

  • Xây dựng các gói phúc lợi cơ bản, bắt buộc: Đây là những phúc lợi bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các chế độ nghỉ phép và thai sản. 
  • Thiết kế các gói phúc lợi bổ sung: Bao gồm những phúc lợi không bắt buộc như các chương trình chăm sóc sức khỏe nâng cao, thưởng thành tích, hỗ trợ học phí và các phúc lợi cho gia đình nhân viên,…
  • Linh hoạt hoá các chương trình phúc lợi: Hiện nay một số doanh nghiệp cho phép nhân viên lựa chọn các gói phúc lợi linh hoạt theo nhu cầu cá nhân, ví dụ giữa trợ cấp chăm sóc con cái hoặc hỗ trợ đi lại. 

Bước 5: Tham khảo và so sánh thị trường

Doanh nghiệp sẽ cần tham khảo thị trường và các doanh nghiệp cùng ngành nhằm đảm bảo chương trình phúc lợi của mình có tính cạnh tranh: 

  • Khảo sát thị trường: Xem xét các chương trình phúc lợi mà đối thủ cạnh tranh hoặc các doanh nghiệp có cùng quy mô đang áp dụng. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ được mức độ tiêu chuẩn phúc lợi trong ngành và cải thiện chính sách của mình. 
  • So sánh và điều chỉnh: Dựa trên kết quả khảo sát, doanh nghiệp có thể điều chỉnh các chương trình phúc lợi để đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút và giữ chân nhân viên. 

Bước 6: Triển khai và truyền thông nội bộ 

Triển khai chương trình phúc lợi và truyền thông nội bộ
Triển khai chương trình phúc lợi và truyền thông nội bộ

Khi các chương trình phúc lợi đã được thiết kế và xây dựng, việc triển khai và truyền thông tới cán bộ công nhân viên là rất quan trọng để nhân viên hiểu rõ và hưởng lợi từ các chính sách mới: 

  • Truyền thông hiệu quả: Sử dụng các kênh nội bộ như email, mạng nội bộ, hoặc các cuộc họp để giải thích về các chế độ và quyền lợi mới, cách thức đăng ký hoặc các yêu cầu cần thực hiện. 
  • Hướng dẫn và hỗ trợ: Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng các bộ phận liên quan, đặc biệt là phòng nhân sự có đầy đủ thông tin, nghiệp vụ để giải đáp các thắc mắc và hỗ trợ nhân viên trong việc đăng ký và sử dụng phúc lợi. 

Bước 7: Giám sát và đánh giá hiệu quả

Theo dõi và giám sát hiệu quả của chương trình phúc lợi
Theo dõi và giám sát hiệu quả của chương trình phúc lợi

Sau khi các chương trình phúc lợi được chính thức đưa vào triển khai, doanh nghiệp cần giám sát và đánh giá hiệu quả để có thể điều chỉnh kịp thời: 

  • Đo lường mức độ hài lòng của nhân viên: Tiến hành khảo sát định kỳ để thu nhập phải hồi từ nhân viên về mức độ hài lòng đối với các phúc lợi được cung cấp. Điều này giúp doanh nghiệp nhận diện được các điểm mạnh và điểm hạn chế trong các chương trình. 
  • Theo dõi năng suất và hiệu suất: Bạn cần đánh giá xem các chương trình phúc lợi có giúp cải thiện hiệu suất làm việc, giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc và tăng cường tinh thần, động lực làm việc của nhân viên hay không. 
  • Điều chỉnh cần thiết: Dựa trên kết quả thu nhập từ giám sát, doanh nghiệp có thể điều chỉnh và tối ưu chương trình phúc lợi, bao gồm việc tăng cường hoặc cắt giảm các loại phúc lợi không mang lại hiệu quả như mong muốn. 

Bước 8: Cập nhật theo xu hướng và luật pháp 

Các chương trình phúc lợi cần được liên tục cập nhật để phù hợp với những thay đổi về pháp luật và xu hướng mới trong thị trường lao động: 

  • Tuân thủ luật pháp: Đảm bảo rằng các chương trình phúc lợi luôn tuân thủ quy định mới nhất về quyền lợi của người lao động. 
  • Bắt kịp xu hướng: Các doanh nghiệp cần theo dõi và áp dụng những xu hướng phúc lợi hiện đại như: chăm sóc sức khỏe tinh thần, giờ làm việc linh hoạt,…nhằm thu hút và giữ chân lực lượng nhân sự trẻ tuổi

6. Các phương pháp tối ưu hóa phúc lợi cho nhân viên 

Để tối ưu chương trình phục lợi cho nhân viên, doanh nghiệp cần tập trung vào việc tạo ra các giá trị thiết thực, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với nhu cầu và mong muốn của nhân viên. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả mà bạn có thể áp dụng: 

Khảo sát và lắng nghe ý kiến của nhân viên: Thực hiện các khảo sát định kỳ để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn thực tế của nhân viên đối với các chương trình phúc lợi. Từ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh và cung cấp các lợi ích sao cho phù hợp, tăng mức độ hài lòng. 

Tuỳ chỉnh phúc lợi theo nhóm nhân viên: Các nhóm nhân viên khác nhau (theo độ tuổi, thâm niên, hoặc vị trí công việc) sẽ có nhu cầu phúc lợi khác nhau. Ví dụ, nhân viên trẻ có thể quan tâm đến một số các xu hướng phúc lợi mới như: 

  • Làm việc từ xa, thời gian làm việc linh hoạt
  • Hỗ trợ ăn trưa/ đồ ăn miễn phí tại văn phòng 
  • Xoá bỏ các quy định về trang phục, đồng phục nếu có thể 
  • Hỗ trợ phương tiện đi lại 

Tăng cường các phúc lợi về sức khỏe và tinh thần: Các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện như: khám định kỳ, hỗ trợ tư vấn tâm lý sẽ giúp cải thiện năng suất, hiệu suất của nhân viên 

Chú trọng hơn đến các cơ hội phát triển nghề nghiệp: Đầu tư vào đào tạo, cung cấp lộ trình thăng tiến rõ ràng, hỗ trợ nâng cao kỹ năng sẽ giúp nhân viên viên cảm thấy gắn bó, có động lực và nâng cao kỹ năng làm việc. 

Đánh giá và hiệu chỉnh định kỳ: Các chương trình phúc lợi cần được đánh giá thường xuyên nhằm xem xét đến tính hiệu quả mà chúng thực sự mang lại cho nhân viên. Đồng thời, doanh nghiệp có sự điều chỉnh phù hợp theo thay đổi của thị trường lao động và nguyện vọng của nhân viên. 

Ứng dụng các phần mềm công nghệ vào quản lý phúc lợi: Các hệ thống quản lý phúc lợi toàn diện như Bộ công cụ 1HRM của 1Office cho phép doanh nghiệp tự động hóa việc theo dõi và quản lý các gói phúc lợi, bảo hiểm, lương thưởng và phúc lợi bổ sung. Nhân viên có thể dễ dàng truy cập, kiểm tra các quyền lợi của mình thông qua nền tảng, doanh nghiệp thì dễ dàng theo dõi hiệu quả của các chương trình phúc lợi, từ đó, giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch. 

Tính năng quản lý phúc lợi của 1Office
Tính năng quản lý phúc lợi của 1Office

Đăng ký nhận Demo miễn phí tính năng!

Phúc lợi là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường làm việc tích cực và bền vững cho doanh nghiệp. Một chương trình phúc lợi được lên kế hoạch, quản lý hiệu quả và bài bản sẽ gia tăng sự hài lòng, mức độ gắn bó và hiệu suất làm việc của nhân viên. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư và không ngừng cải thiện chương trình phúc lợi của mình để đáp ứng nguyện vọng của nhân viên cũng như tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

Ứng dụng kiến thức quản trị vào thực tiễn
cùng bộ giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office!

Đăng ký ngay
Zalo phone