083.483.8888
Đăng ký

Six sigma là phương pháp cải tiến chất lượng nổi tiếng đứng đằng sau sự thành công của rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đủ và hiểu đúng 6 sigma là gì, cũng như cách ứng dụng triển khai six sigma trong doanh nghiệp như thế nào cho hiệu quả.

1. Six Sigma là gì?

Six sigma (hay 6 Sigma) là một tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hiệu suất trong quản lý chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất. Trong đó, sigma (σ) là một ký hiệu trong lý thuyết thống kê, chỉ độ lệch chuẩn của một tập hợp. Sigma trong trường hợp này được sử dụng làm thước đo mức độ biến động, sai lệch của một quy trình, sản phẩm so với tiêu chuẩn đặt ra ban đầu.

Theo tiêu chuẩn 6 Sigma, chỉ có khoảng 3,4 lỗi hoặc khuyết tật (defect) trên mỗi một triệu sản phẩm được sản xuất hoặc quy trình được thực hiện. Nói cách khác, 6 Sigma tương đương với tỷ lệ lỗi hoặc khuyết tật chỉ rơi vào ~0,00034% trên tổng sản phẩm hoặc quy trình sản xuất.

6 Sigma được chia thành 6 cấp độ lần lượt như sau:

  • 1 Sigma: 690.000 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 69%
  • 2 Sigma: 380.000 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 30.8%
  • 3 Sigma: 66.800 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 6.68%
  • 4 Sigma: 6.210 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 0.621%
  • 5 Sigma: 230 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 0.023%
  • 6 Sigma: 3.4 lỗi/1 triệu sản phẩm tương đương 0,00034%

2. Ý nghĩa của phương pháp Six Sigma là gì?

Six Sigma là một phương pháp quản lý chất lượng và cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu sự sai lệch trong sản xuất. Phương pháp này được sử dụng để đo lường, phân tích dữ liệu về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất, từ đó xác định những nguyên nhân gây ra khuyết tật và tìm ra giải pháp để sửa chữa chúng. Đặc trưng của 6 Sigma là độ chính xác cao, với độ “lệch chuẩn” chỉ khoảng 3,4 lỗi trên mỗi một triệu sản phẩm.

6 Sigma tập trung vào việc tối ưu hóa quá trình sản xuất và cải tiến liên tục, hướng tới đạt được độ chính xác cao nhất để ngăn chặn các khuyết tật xảy ra trong quá trình, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ đầu thay vì tập trung xử lý những sản phẩm lỗi.

Xem thêm các bài viết hay liên quan:

3. Lean Six Sigma là gì? Mô hình cải tiến tinh gọn biến thể từ 6 Sigma

Lean Six Sigma là mô hình tích hợp giữa Lean và 6 Sigma

Lean Six Sigma là sự kết hợp giữa phương pháp sản xuất tinh gọn Lean Manufacturing và phương pháp 6 Sigma. Phương pháp Lean Manufacturing tập trung vào việc giảm thiểu các lãng phí trong quy trình sản xuất bằng cách tối ưu hóa luồng sản xuất, tăng cường hiệu quả và giảm thiểu chi phí sản xuất. Trong khi đó, phương pháp Six Sigma tập trung vào việc giảm thiểu các sai sót trong quá trình sản xuất bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Với sự kết hợp của cả hai phương pháp 6 Sigma Lean tạo ra một giải pháp quản lý và cải tiến quy trình sản xuất toàn diện, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí và sai sót và cải thiện chất lượng sản phẩm.

Tham khảo thêm: Kaizen là gì? Quy trình ứng dụng Kaizen hiệu quả cho doanh nghiệp

4. Những lợi ích vượt trội của Six sigma trong quản lý chất lượng là gì?

Phương pháp Six Sigma là công cụ quản lý chất lượng được các doanh nghiệp, tập đoàn từ nhỏ đến lớn đều chú trọng đầu tư triển khai bởi những lợi ích bền vững mà nó mang lại. Vậy giá trị mà các tổ chức nhận được khi áp dụng 6 Sigma là gì?

  • Giảm chi phí sản xuất: Bằng cách giảm thiểu các sản phẩm khuyết tật, rút ngắn thời gian chờ đợi và cắt bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất, Six sigma giúp tiết kiệm chi phí và nguyên vật liệu sản xuất, từ đó giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm và gia tăng lợi nhuận.
  • Cải thiện chất lượng sản phẩm: Phương pháp 6 Sigma giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách giảm thiểu khối lượng khuyết tật và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và kỳ vọng của khách hàng chính là chìa khóa giữ chân khách hàng và gia tăng độ uy tín của thương hiệu.
  • Tăng cường sức cạnh tranh: Phương pháp 6 Sigma trong quản lý chất lượng giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu hóa hiệu suất và cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ. Từ đó, tổ chức có thể tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.

5. Các nguyên tắc áp dụng Six Sigma hiệu quả

Sau khi đã tìm hiểu Six sigma là gì, chúng ta cần nắm rõ các nguyên tắc cơ bản để áp dụng phương pháp 6 sigma trong quản lý chất lượng hiệu quả:

  • Tập trung vào nhu cầu của khách hàng: Khách hàng luôn là yếu tố quan trọng nhất và là mục tiêu cuối cùng của phương pháp 6 sigma. Do đó, để thành công trong việc áp dụng phương pháp Six sigma, doanh nghiệp cần phải đưa khách hàng vào trung tâm của mọi quyết định.
  • Định hướng dữ liệu: Dữ liệu là yếu tố cốt lõi trong quá trình triển khai 6 sigma. Do đó, các số liệu, dữ kiện sử dụng cần phải được thu thập, xử lý và phân tích đầy đủ và chính xác.
  • Liên tục cải tiến: Six sigma không phải là một dự án độc lập, mà là một triết lý kinh doanh, một quá trình liên tục. Do đó, cần phải duy trì hệ thống quản lý chất lượng để giám sát và cải tiến các quy trình kinh doanh nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng.
  • Chấp nhận sự sai sót: Cũng như tiêu chuẩn của 6 sigma là 3,4 lỗi trên một triệu khả năng, không một quy trình nào có thể đạt đến mức độ hoàn hảo tuyệt đối. Bởi vậy nhà quản trị phải luôn sẵn sàng giải quyết các vấn đề nếu sai sót xảy ra. Những sai sót hay lỗi nhỏ cũng được coi là cơ hội để cải thiện quy trình, tăng cường kiểm soát chất lượng và nâng cao năng lực của tổ chức.
>> Bật mí phương pháp: Tăng 200% hiệu suất làm việc với các ý tưởng cải tiến trong công việc

6. Quy trình áp dụng phương pháp Six Sigma theo mô hình DMAIC

Một quy trình phổ biến được sử dụng rộng rãi để ứng dụng Six Sigma hiệu quả nhất trong hầu hết các doanh nghiệp là DMAIC. Quy trình DMAIC bao gồm 5 bước: Define (Xác định), Measure (Đo lường), Analyze (Phân tích), Improve (Cải thiện) và Control (Kiểm soát).

Quy trình 5 bước áp dụng Six Sigma

Bước 1. Define (Xác định)

Define là bước mở đầu của quy trình cải tiến Six sigma, là bước đóng vai trò nền tảng giúp tổ chức xác định được các dữ kiện cơ bản cần thiết để triển khai 6 sigma quản lý chất lượng và cải thiện quy trình kinh doanh.

Những khía cạnh cần tập trung thực hiện trong bước Define bao gồm:

  • Xác định vấn đề: Xác định rõ ràng vấn đề cần giải quyết bằng Six sigma là gì và tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề đó. Vấn đề có thể xuất hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau của quy trình vận hành, từ sản xuất đến dịch vụ khách hàng.
  • Xác định mục tiêu: Đặt mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho dự án cải tiến. Mục tiêu cần phải được đo lường bằng các chỉ số chất lượng cụ thể. Một số chỉ số có thể được sử dụng bao gồm:
    • Chỉ số hiệu suất quá trình (Process Performance): Đo lường khả năng của quá trình để sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
    • Chỉ số sai số của quá trình (Process Variation): Đo lường mức độ dao động của quá trình sản xuất, được biểu diễn bằng độ lệch chuẩn hoặc biến động của quá trình.
    • Chỉ số độ tin cậy của sản phẩm (Product Reliability): Đo lường khả năng của sản phẩm để hoạt động đúng và đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Xác định khách hàng: Xác định ai là khách hàng cuối cùng của quy trình cần cải thiện và tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng có thể giải quyết thông qua 6 sigma là gì.
  • Xác định dữ liệu cần thu thập: Xác định các loại dữ liệu cần thiết để đánh giá tình trạng hiện tại của quy trình và đưa ra quyết định về các cải tiến cần thực hiện. Thông thường, các dữ kiện liên quan tới đặc tính chất lượng được được biểu thị dưới dạng dạng thông tin bằng số liệu, với 2 loại phổ biến: dữ liệu về kết quả của đặc tính chất lượng và dữ liệu về quá trình chỉ ra nguyên nhân của đặc tính chất lượng.
  • Xác định phạm vi: Phân tích quy trình vận hành hiện tại để tìm ra những “lỗ hổng” cần cải thiện, từ đây nhóm sẽ xác định được những phạm vi cần tập trung để triển khai Six sigma quản lý chất lượng, bao gồm những hoạt động nào thuộc phạm vi quy trình đó và những hoạt động nào không thuộc phạm vi.
>> Tìm hiểu thêm: BPMS là gì? Vai trò và chức năng cốt lõi của Business Process Management Software

Bước 2. Measure (Đo lường)

Bước thứ hai của quy trình áp dụng 6 Sigma DMAIC là Measure – Đo lường, trong đó sẽ tiến hành đo lường các dữ liệu của quy trình sản xuất, thu thập các thông số cần thiết để đánh giá tình trạng hiện tại của quy trình đang ở mức mấy sigma.

Dưới đây là một số công việc cần thực hiện trong bước Measure của quy trình DMAIC:

  • Thu thập dữ liệu: Thu thập các dữ liệu về quy trình hiện tại bằng cách sử dụng các công cụ và kỹ thuật đo lường. Các dữ liệu cần phải được thu thập theo các tiêu chuẩn định sẵn và phải được đảm bảo tính chính xác và đầy đủ.
  • Đo lường hiệu suất: Đo lường các chỉ số hiệu suất của quy trình hiện tại, bao gồm thời gian xử lý, tỷ lệ lỗi, số lượng sản phẩm hoàn thành và chi phí sản xuất.
  • Xác định biến số ảnh hưởng: Xác định các biến số ảnh hưởng đến quy trình, bao gồm các biến số đầu vào và đầu ra của quy trình, các thao tác được thực hiện trong quy trình và các yếu tố môi trường.
  • Xác định sự chênh lệch giữa quy trình hiện tại và tiêu chuẩn chất lượng: Sau khi đã thu thập và đánh giá dữ liệu, nhóm 6 Sigma cần xác định sự chênh lệch giữa quy trình hiện tại và tiêu chuẩn chất lượng. Sự chênh lệch này sẽ giúp nhóm Six Sigma đánh giá mức độ cải tiến mà quy trình cần thực hiện để đạt được mức tiêu chuẩn chất lượng 6 sigma.

Bước 3. Analyze (Phân tích)

Sau khi đã hoàn thành các bước Define và Measure, nhóm triển khai Six Sigma sẽ tiếp tục tiến hành phân tích để xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề hoặc sai sót trong quy trình sản xuất.  

Các công việc cần thực hiện trong bước Analyze gồm:

  • Phân tích các dữ liệu đã thu thập: Phân tích các dữ liệu đã thu thập từ bước Measure để tìm hiểu về tính chất và cách thức phân bổ của chúng bằng cách sử dụng các công cụ thống kê.
  • Xác định các nguyên nhân gốc rễ: Sau khi phân tích các dữ liệu đã thu thập, cần tiến hành xác định các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Nhóm Six Sigma có thể sử dụng các phương pháp khác nhau như nguyên tắc Pareto, biểu đồ xương cá Ishikawa, biểu đồ phân tán, phân tích hồi quy,…
  • Tổng kết kết quả phân tích: Tổng kết lại kết quả phân tích được và đưa ra các kết luận về nguyên nhân gốc rễ của sự chênh lệch giữa quy trình hiện tại và tiêu chuẩn chất lượng, cũng như các giải pháp cải tiến đề xuất cho quy trình. Kết quả này sẽ được sử dụng để tiếp tục vào bước tiếp theo, là Improve.

Bước 4. Improve (Cải tiến)

Bước Improve là giai đoạn quan trọng trong quy trình DMAIC của Six Sigma. Trong bước này nhóm sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải tiến để giảm thiểu các sai sót và cải thiện chất lượng sản phẩm. Các công việc cần được thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và tính bền vững của quy trình cải tiến bao gồm:

  • Đề xuất các giải pháp cải tiến: Dựa trên kết quả phân tích của bước Analyze để đề xuất các giải pháp cải tiến nhằm giảm thiểu sự chênh lệch giữa quy trình hiện tại và tiêu chuẩn chất lượng. Các giải pháp này có thể bao gồm việc thay đổi quy trình làm việc, cập nhật các hệ thống hoặc công nghệ mới, đào tạo nhân viên,…
  • Đánh giá tính khả thi của giải pháp: Thực hiện các thí nghiệm để kiểm tra tính khả thi và hiệu quả của các giải pháp cải tiến được đưa ra. Đồng thời tiến hành kiểm tra các dữ liệu và thông tin để đảm bảo tính chính xác của các kết quả.
  • Thực hiện các thay đổi và cải tiến: Nếu các giải pháp được chấp nhận và chứng minh là hiệu quả, nhóm Six Sigma sẽ tiến hành thực hiện các thay đổi và cải tiến trong quy trình. Nhóm sẽ đảm bảo rằng các thay đổi được thực hiện đúng thời gian, đúng phạm vi và đạt được mục tiêu cải tiến.

Bước 5. Control (Kiểm soát)

Control (Kiểm soát) là bước cuối cùng trong quy trình DMAIC của Six Sigma. Ở bước này, nhóm triển khai 6 Sigma cho doanh nghiệp sẽ thiết lập các cơ chế kiểm soát để đảm bảo tính ổn định và đáp ứng các mục tiêu được đặt ra sau quá trình cải tiến.

Các công việc cần thực hiện trong bước Control gồm:

  • Thiết lập hệ thống kiểm soát: Thiết lập hệ thống kiểm soát để giám sát quy trình và đảm bảo rằng quy trình đang hoạt động ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng 6 sigma đã đặt ra. Hệ thống kiểm soát này bao gồm các quy trình kiểm soát chất lượng, đánh giá hiệu quả và các hệ thống giám sát để phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh.
  • Thiết lập các chỉ số đo lường: Các chỉ số đo lường được thiết lập trong bước Measure sẽ được sử dụng để giám sát quy trình trong bước Control. Nhóm Six Sigma cần đảm bảo rằng các chỉ số này được đo lường và giám sát thường xuyên để đảm bảo rằng quy trình hoạt động ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã đặt ra.
  • Thiết lập hệ thống phản hồi: Thiết lập hệ thống phản hồi để phát hiện và xử lý các vấn đề phát sinh, đồng thời giúp cho quy trình hoạt động ổn định trong tương lai.
  • Đánh giá hiệu quả: Đánh giá hiệu quả của quy trình cải tiến bằng cách so sánh các chỉ số chất lượng và hiệu suất trước và sau khi triển khai quy trình DMAIC. Đánh giá này cần được thực hiện định kỳ để đảm bảo rằng quy trình đang hoạt động ổn định và đáp ứng các mục tiêu chất lượng được đặt ra.

7. Case-study: Ford Việt Nam áp dụng 6 Sigma bứt phá tăng trưởng

Sự thành công của hàng triệu doanh nghiệp trên thế giới triển khai thành công phương pháp 6 sigma trong quản lý chất lượng của bộ máy vận hành đã khẳng định tầm vóc và sự tối ưu của phương pháp cải tiến tinh gọn này. Trong đó, Ford Việt Nam là một trường hợp thành công điển hình.

Ford Việt Nam là công ty liên doanh giữa tập đoàn Ford Motor có trụ sở ở Michigan, Hoa Kỳ và công ty Diesel Sông Công, hoạt động tập trung chủ yếu vào lắp ráp, sản xuất xe ô tô, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Trước khi ứng dụng 6 Sigma, quy trình sản xuất kinh doanh của Ford Việt Nam còn tồn đọng khá nhiều “lỗ hổng” trong khâu vận hành, dẫn đến:

  • Tỷ lệ sai sót lỗi còn cao
  • Chi phí sản xuất cao
  • Quá trình giao hàng chậm
  • Thời gian tạo ra sản phẩm kéo dài

Kể từ năm 2000, Ford đã bắt đầu khởi động triển khai Six Sigma với 200 dự án cải tiến trong mọi lĩnh vực. Vậy hiệu quả mà Ford Việt Nam đạt được nhờ ứng dụng 6 sigma là gì?

Việc triển khai áp dụng phương pháp Six sigma trong quản lý chất lượng vận hành đã mở ra bước đột phá vượt bậc, giúp Ford Việt Nam tiết kiệm được 1,2 triệu USD và nhiều năm liên tiếp đạt điểm chỉ số hài lòng của khách hàng trên 90%. Đặc biệt, trong năm 2016, tỷ lệ lỗi của các dòng xe Ford sản xuất tại Việt Nam đã giảm từ 250 PPM xuống còn dưới 50 PPM.

Trong bài viết trên đây, 1Office đã giới thiệu tới bạn đọc về 6 sigma là gì cũng như cách áp dụng Six sigma trong doanh nghiệp sao cho tối ưu nhất.

Để bộ máy vận hành đạt được hiệu quả tốt nhất thì mấu chốt không chỉ nằm ở việc hiểu rõ 6 sigma là gì và nắm rõ nguyên tắc áp dụng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ quản lý mà doanh nghiệp đang sử dụng. Để được tư vấn và dùng thử phần mềm quản trị doanh nghiệp giúp tinh gọn quy trình, X3 hiệu suất vận hành, vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới:

Nhận tư vấn miễn phí

Ứng dụng kiến thức quản trị vào thực tiễn
cùng bộ giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp 1Office!

Đăng ký ngay
Zalo phone