Định giá sản phẩm là một trong những bước quan trọng quyết định đến sự thành công và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Việc xác định được mức giá sản phẩm hợp lý không chỉ giúp tăng lợi nhuận mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng nắm rõ cách định giá hiệu quả và tối ưu. Bài viết sau đây của 1Office sẽ cung cấp tới bạn các phương pháp, chiến lược định giá sản phẩm phổ biến và tối ưu hiện nay, từ đó giúp bạn xác định chiến lược phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.
1. Định giá sản phẩm là gì?
Định giá sản phẩm là quá trình doanh nghiệp phân tích, nghiên cứu và xác định mức giá bán cụ thể cho sản phẩm hoặc dịch vụ dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng thị phần và duy trì sức cạnh tranh. Trong quá trình định giá, doanh nghiệp không chỉ dựa vào chi phí sản xuất mà còn cần xem xét đến nhu cầu/định hướng thị trường, hành vi người tiêu dùng, mức độ cạnh tranh, và giá trị mà sản phẩm mang lại cho khách hàng.
Để định giá sản phẩm một cách chính xác và tối ưu, doanh nghiệp sẽ cần cân nhắc và tính toán nhiều lại chi phí khác nhau. Một số loại chi phí cấu thành nên giá giá sản phẩm có thể kể đến bao gồm:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: nguyên vật liệu chính cần thiết để sản xuất sản phẩm.
- Chi phí nhân công trực tiếp: lương cơ bản, chế độ phúc lợi,…
- Chi phí sản xuất chung: chi phí phát sinh trong quá trình trong quá trình sản xuất ví dụ như: chi phí điện, nước, máy móc, bảo trì, thuê mặt bằng,…
- Chi phí quản lý và điều hành: chi phí phát sinh từ hoạt động quản lý: lương thưởng, chi phí hành chính.
- Chi phí vận chuyển và phân phối: chi phí lưu kho, bốc dỡ, các hoạt động logistics,…
- Chi phí Marketing và bán hàng: chi phí chạy quảng cáo, hoa hồng,…
- Chi phí thuế và phí pháp lý: các loại thuế, phí pháp lý liên quan,…
- Chi phí tài chính (lãi vay)
- Lợi nhuận kỳ vọng: mức lợi nhuận mong muốn từ mỗi sản phẩm
2. Vì sao cần định giá sản phẩm?
Định giá sản phẩm là một trong những bước quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần thực hiện bởi quy trình này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, cạnh tranh và chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Việc định giá sản phẩm hiệu quả và tối ưu sẽ cho phép doanh nghiệp:
Tối ưu hoá lợi nhuận
Mức giá bán của sản phẩm quyết định trực tiếp đến mức lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được. Nếu doanh nghiệp định giá quá cao, sản phẩm có thể không thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Ngược lại, nếu định giá quá thấp, doanh nghiệp có thể sẽ không đủ lợi nhuận để duy trì hoạt động và phát triển. Việc định giá chính xác chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp tối ưu hoá lợi nhuận mà không làm mất đi khách hàng tiềm năng.
>>> Xem thêm: Lợi nhuận thuần là gì? Công thức tính & cách tối ưu hiệu quả
Duy trì và tăng cường sức cạnh tranh
Trên thị trường, giá sản phẩm là yếu tố giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ. Với mức giá hợp lý, sản phẩm sẽ dễ dàng cạnh tranh hơn, đặc biệt là khi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh cùng ngành, có cùng sản phẩm tương tự.
Định hình giá trị thương hiệu
Mức giá của sản phẩm còn thể hiện giá trị sản phẩm trong mắt người tiêu dùng. Ví dụ, các sản phẩm với mức giá cao thường gắn liền với hình ảnh cao cấp, chất lượng và dịch vụ tốt. Ngược lại, với các sản phẩm có giá rẻ, người tiêu dùng thường có xu hướng gắn liền sản phẩm đó với hình ảnh tiết kiệm, phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình. Vì vậy, việc định giá không chỉ phản ánh giá trị sản phẩm mà còn giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu trong lòng khách hàng.
Ảnh hưởng đến hành vi mua hàng
Giá cả sản phẩm có ảnh hưởng vô cùng lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Một mức giá phù hợp với khả năng chi trả và giá trị cảm nhận sẽ thúc đẩy khách hàng đi tới quyết định mua hàng nhanh hơn. Việc định giá hợp lý có thể khiến khách hàng cảm thấy sản phẩm là đáng giá và mang lại trải nghiệm tích cực.
Quản lý chi phí và dòng tiền
Định giá sản phẩm đúng giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí và dòng tiền hiệu quả hơn. Việc định giá phù hợp với chi phí sản xuất và chi phí vận hành giúp doanh nghiệp duy trì lợi nhuận ổn định, bền vững. Đồng thời, khi doanh nghiệp đã có chiến lược định giá hiệu quả, họ có thể dễ dàng lên kế hoạch đầu tư và phát triển dài hạn.
3. Thời điểm định giá sản phẩm phù hợp
Thời điểm phù hợp để áp dụng các chiến lược định giá sản phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả từ bên trong doanh nghiệp lẫn từ tác động của thị trường. Dưới đây là những thời điểm và trường hợp quan trọng mà doanh nghiệp nên cân nhắc điều chỉnh chiến lược định giá để tối ưu hiệu quả kinh doanh:
Ra mắt dòng sản phẩm mới hoặc phiên bản nâng cấp
Khi doanh nghiệp ra mắt một sản phẩm mới hoặc phiên bản nâng cấp của sản phẩm hiện có, đây là thời điểm quan trọng để xem xét chiến lược định giá. Đối với sản phẩm mới, doanh nghiệp có thể áp dụng các chiến lược như: chiến lược hớt váng (giá cao), chiến lược thâm nhập (giá thấp),…
Ví dụ: Khi hãng Apple ra mắt các dòng sản phẩm mới như Iphone, Macbook, họ thường áp dụng chiến lược hớt váng – đặt mức giá cao nhất để tận dụng tối đa sức hút của sản phẩm.
Khi chi phí sản xuất và đầu tư thay đổi
Doanh nghiệp sẽ cần điều chỉnh và định giá lại sản phẩm khi có sự thay đổi lớn về chi phí sản xuất hoặc chi phí nguyên liệu đầu vào. Nếu chi phí tăng, giá bán cũng cần được điều chỉnh để duy trì lợi nhuận. Ngược lại, nếu chi phí giảm, doanh nghiệp có thể cân nhắc giảm giá sản phẩm để thu hút thêm khách hàng và gia tăng thị phần.
Khi thâm nhập thị trường mới
Mỗi thị trường đều có đặc điểm riêng về hành vi tiêu dùng, thu nhập và sự cạnh tranh. Vì vậy, khi mở rộng sang thị trường mới, doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược giá để phù hợp với điều kiện, yêu cầu cụ thể:
Ví dụ:
- Với thị trường thu nhập cao, doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược giá cao hơn, nhấn mạnh vào giá trị sản phẩm.
- Với thị trường có mức cạnh tranh cao hoặc thu nhập thấp, doanh nghiệp có thể sử dụng chiến lược định giá thấp hoặc giá thâm nhập để thu hút khách hàng.
Khi đối thủ cạnh tranh thay đổi chiến lược giá
Đứng trước thị trường ngày một cạnh tranh, việc điều chỉnh giá của đối thủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp. Nếu đối thủ giảm giá hoặc ra mắt các dòng sản phẩm với giá cả hấp dẫn hơn, doanh nghiệp cần phân tích và cân nhắc điều chỉnh giá hoặc thêm giá trị gia tăng vào sản phẩm để duy trì sức cạnh tranh.
Ví dụ, trong ngành bán lẻ, các thương hiệu nổi tiếng như Walmart và Target thường điều chỉnh giá liên tục nhằm đối phó với các chính sách giảm giá của nhau.
Khi nền kinh tế gặp khó khăn hoặc lạm phát
Khi nền kinh tế chung đang gặp khó khăn như lạm phát cao hoặc suy thoái kinh tế, sức mua của khách hàng có thể giảm, dẫn đến sự thay đổi trong hành vi mua sắm. Trong tình huống này, doanh nghiệp cần cân nhắc điều chỉnh giá bán hoặc đưa ra các chương trình khuyến mãi, chiết khấu để kích cầu mua sắm, giữ chân khách hàng.
Khi chiến lược kinh doanh thay đổi
Doanh nghiệp có thể thay đổi chiến lược kinh doanh từ việc tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn sang xây dựng thị phần dài hạn, hoặc từ việc cung cấp sản phẩm đại trà sang sản phẩm cao cấp. Mỗi sự thay đổi chiến lược kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lại giá bán sản phẩm để đáp ứng hướng đi mới.
Ví dụ, một hàng thời trang ban đầu bán sản phẩm bình dân nhưng sau đó quyết định chuyển sang thị trường cao cấp để phù hợp với hình ảnh mới.
Khi sản phẩm đạt đến giai đoạn cuối của chu kỳ sống
Ở giai đoạn cuối của chu kỳ sống sản phẩm, thông thường doanh nghiệp sẽ phải giảm giá sản phẩm để để đẩy mạnh tiêu thụ và giải phóng hàng tồn kho, tối đa hoá doanh thu từ sản phẩm cũ, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt sản phẩm mới, tối đa hoá doanh thu từ sản phẩm cũ.
Ví dụ, các hãng điện thoại thường giảm giá các mẫu cũ trước khi ra mắt phiên bản mới nhằm thúc đẩy doanh số và thu hút người tiêu dùng mua các sản phẩm còn lại.
4. Các phương pháp định giá sản phẩm hiệu quả và phổ biến hiện nay
Định giá hớt váng (Skimming Pricing)
Chiến lược định giá hớt váng là việc doanh nghiệp đặt giá bán cao nhất có thể khi sản phẩm mới ra mắt, đặc biệt với các sản phẩm sáng tạo, độc đáo hoặc có công nghệ tiên tiến. Doanh nghiệp thường nhắm đến nhóm khách hàng sẵn sàng trả giá cao để sở hữu sản phẩm sớm, sau đó giảm giá theo thời gian khi mức độ cạnh tranh tăng lên và nhu cầu của các phân khúc khác xuất hiện.
Ví dụ: Khi Apple ra dòng điện thoại iPhone mới, giá thường được đẩy lên cao. Sau vài tháng hoặc khi có phiên bản mới hơn ra mắt, giá của các mẫu cũ giảm đáng kể nhằm tiếp cận thêm nhiều khách hàng.
Định giá thâm nhập (Penetration Pricing)
Với chiến lược này, doanh nghiệp thường đặt giá thấp hơn thị trường để thu hút khách hàng và giành thị phần nhanh chóng. Mục tiêu là xây dựng tập khách hàng lớn ngay từ đầu, sau đó tăng giá khi khách hàng đã quen thuộc với sản phẩm.
Ví dụ: Netflix áp dụng chiến lược này khi mới ra mắt, cung cấp dịch vụ streaming với mức giá rẻ hơn so với các đối thủ. Nhờ chiến lược này, họ đã nhanh chóng trở thành nhà cung cấp dịch vụ giải trí hàng đầu.
Định giá dựa trên giá trị (Value-based Pricing)
Định giá dựa trên giá trị là định giá dựa trên cảm nhận của khách hàng về sản phẩm, thay vì chi phí sản xuất. Doanh nghiệp sẽ cần tìm hiểu nhu cầu và mong muốn của khách hàng, sau đó đặt giá sao cho phù hợp với mức độ lợi ích mà khách hàng cảm nhận được.
Ví dụ: Starbucks bán cà phê của mình với giá cao hơn nhiều so với các thương hiệu bán cà phê thông thường, nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng trả thêm vì cảm nhận được giá trị từ trải nghiệm, chất lượng sản phẩm,…
Định giá dựa trên chi phí (Cost-plus Pricing)
Với chiến lược này, doanh nghiệp cần xác định giá bằng cách cộng thêm phần lợi nhuận mong muốn vào tổng chi phí sản xuất. Đây là cách tiếp cận đơn giản và phổ biến nhưng không xét đến yếu tố thị trường hay giá trị mà khách hàng nhận được.
Ví dụ: Một nhà sản xuất đồ nội thất tỉnh tổng chi phí sản xuất môi cái bàn là 1 triệu đồng và cộng thêm 30% lợi nhuận để đưa ra giá bán là 1,3 triệu đồng.
Định giá cạnh tranh (Competitive Pricing)
Định giá cạnh tranh hay Competitive Pricing là chiến lược mà doanh nghiệp dựa trên việc quan sát và phản ứng với giá của đối thủ cạnh tranh. Doanh nghiệp đặt giá bằng hoặc thấp hơn để thu hút khách hàng từ đối thủ.
Ví dụ: Trong ngành hàng điện thoại di động, Samsung và Xiaomi thường xuyên điều chỉnh giá sản phẩm dựa trên các đợt giảm giá của đối thủ để giữ chân và thu hút khách hàng.
Định giá tâm lý (Psychological Pricing)
Định giá tâm lý thường nhằm vào cảm xúc, hành vi của khách hàng bằng cách sử dụng các mức giá như 99.000 đồng thay vì 100.000 đồng để tạo ấn tượng giá thấp hơn. Điều này lợi dụng cách khách hàng nhìn nhận giá trị theo số học.
Ví dụ: Các siêu thị thường đề giá sản phẩm là 99.000 đồng hoặc 199.000 đồng thay vì làm tròn thành 100.000 đồng hay 200.000 đồng.
Định giá theo phân khúc (Segmented Pricing)
Định giá theo phân khúc hay Segmented Pricing là việc doanh nghiệp áp dụng giá khác nhau cho cùng một sản phẩm, tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng hoặc khu vực địa lý. Điều này có thể dựa trên khả năng chi trả, nhu cầu, hoặc điều kiện thị trường, đối tượng.
Ví dụ: Các hãng hàng không như Vietnam Airlines cung cấp giá vé khác nhau cho các khoang ghế như hạng thương gia, hạng phổ thông đặc biệt và hạng phổ thông.
Định giá theo gói (Bundle Pricing)
Doanh nghiệp có thể kết hợp nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ thành một gói và bán với giá rẻ hơn so với tổng giá trị các sản phẩm nếu mua riêng lẻ. Với chiến lược này, doanh nghiệp có thể khuyến khích khách hàng mua thêm nhiều sản phẩm khác.
Ví dụ: Microsoft Office bán các sản phẩm như Word, Excel, PowerPoint trong một gói, với giá rẻ hơn so với mua từng ứng dụng riêng lẻ.
Định giá chiết khấu (Discount Pricing)
Với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ giảm giá trực tiếp hoặc đưa ra khuyến mãi để tăng nhu cầu mua hàng trong ngắn hạn. Phương pháp này thường được sử dụng để kích cầu hoặc giải phóng hàng tồn kho.
Ví dụ: Các thương hiệu thường sử dụng ngày Black Friday và Cyber Monday như các sự kiện để giảm lớn và thúc đẩy doanh số.
Định giá chiết khấu
Định giá dựa trên địa lý (Geographical Pricing)
Giá sản phẩm của doanh nghiệp có thể thay đổi theo khu vực địa lý, do chi phí vận chuyển, thuế và điều kiện kinh tế của từng vùng khác nhau
Ví dụ: Giá xăng dầu ở các tỉnh khác nhau có sự chênh lệch do chi phí vận chuyển và mức thuế địa phương khác nhau.
Định giá động (Dynamic Pricing)
Với Định giá động, giá sản phẩm có thể thay đổi theo thời gian dựa trên nhu cầu và lượng cung. Đây là một chiến lược linh hoạt và thường được điều chỉnh theo thời gian thực.
Ví dụ: Các nền tảng đặt vé máy bay như Vietnam Airlines, Vietjet,… thường thay đổi giá vé dựa trên thời gian đặt vé, nhu cầu và lượng chỗ trống còn lại.
Định giá theo mục tiêu (Target Pricing)
Doanh nghiệp xác định lợi nhuận mong muốn trước sau đó điều chỉnh chi phí sản xuất và giá bán để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Toyota có thể đặt giá mục tiêu cho dòng xe mới, từ đó hãng xe mới điều chỉnh chi phí sản xuất và định giá sản phẩm sao cho đảm bảo đạt được mức lợi nhuận nhất định.
Định giá theo giai đoạn sản phẩm (Product Lifecycle Pricing)
Việc định giá sản phẩm có thể thay đổi theo từng giai đoạn trong vòng đời sản phẩm (ra mắt, phát triển, bão hoà, suy thoái). Ban đầu, giá có thể cao, nhưng giảm dần khi sản phẩm đi vào giai đoạn suy thoái.
Ví dụ: Smartphone khi mới ra mắt thị trường thường có giá cao nhưng sau đó giảm dần khi các mẫu mới ra đời hoặc khi công nghệ đó đã lỗi thời.
Định giá lỗ dẫn (Loss Leader Pricing)
Doanh nghiệp sẽ đặt giá thấp hơn hoặc ngang bằng với chi phí sản xuất để thu hút khách hàng tiềm năng. Lợi nhuận được kiếm từ các sản phẩm liên quan hoặc các giao dịch tiếp theo,
Ví dụ: Các siêu thị thường bán các mặt hàng như trứng, sữa với giá rất thấp để kéo khách hàng đến cửa hàng, và họ sẽ mua thêm các sản phẩm khác.
Chiến lược định giá cao cấp (Premium Pricing)
Định giá cao cấp là chiến lược đặt giá sản phẩm cao hơn mức trung bình trên thị trường để tạo cảm giác sản phẩm có giá trị và chất lượng vượt trội. Khách hàng sẽ cần trả thêm để sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính độc quyền.
Ví dụ: Rolex là thương hiệu đồng hồ cao cấp với giá bán rất cao, khách hàng phải trả mức giá này không chỉ vì chức năng mà còn vì thương hiệu và giá trị xã hội mà sản phẩm mang lại.
Chiến lược Freemium (Freemium Pricing)
Chiến lược này là sự kết hợp giữa “Free” và “Premium”, trong đó doanh nghiệp cung cấp một phiên bản miễn phí của sản phẩm hoặc dịch vụ với các tính năng cơ bản và thu phí cho các tính năng cao cấp và đầy đủ hơn. Mục tiêu của chiến lược này là thu hút người dùng với phiên bản miễn phí và sau đó khuyến khích họ nâng cấp lên phiên bản trả phí.
Ví dụ: Spotify cung cấp dịch vụ nghe nhạc miễn phí với quảng cáo và một số tính năng bị hạn chế. Người dùng sẽ cần trả phí để nâng cấp tài khoản lên Premium để loại bỏ quảng cáo và sử dụng các tính năng cao cấp.
5. Các bước định giá sản phẩm
Bước 1: Xác định giá gốc (chi phí sản xuất)
Ở bước này doanh nghiệp cần xác định tổng chi phí để sản xuất ra sản phẩm, bao gồm các chi phí như: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung,…
Công thức tính: Giá thành sản phẩm = CP dở dang đầu kỳ + Tổng CP sản xuất – CP dở dang cuối kỳ
Ví dụ: Nếu chi phí nguyên vật liệu là 100 triệu đồng, chi phí công nhân là 50 triệu đồng, và các chi phí sản xuất chung là 60 triệu đồng, giá thành mỗi sản phẩm sẽ được tính bằng tổng các chi phí chia cho số lượng sản phẩm đã hoàn thành.
Bước 2: Nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu
Sau khi đã xác định giá gốc của sản phẩm, doanh nghiệp sẽ cần xác định nhu cầu của khách hàng và mức giá họ sẵn sàng chi trả. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phải xác định các xu hướng thị trường, thói quen mua hàng và khả năng tài chính của từng phân khúc khách hàng mục tiêu. Điều này giúp bạn điều chỉnh giá sao cho phù hợp với mong muốn và khả năng của khách hàng.
Bước 3: Nghiên cứu đối thủ
Đây là bước quan trọng giúp doanh nghiệp tìm hiểu, phân tích giá bán của đối thủ cạnh tranh để xác định khoảng giá thị trường. Hãy xem xét đến các yếu tố như chất lượng, tính năng, và dịch vụ hậu mãi mà đối thủ cung cấp, từ đó bạn có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hoặc khác biệt.
Bước 4: Xác định mức lợi nhuận mong muốn
Doanh nghiệp cần xác định tỷ lệ lợi nhuận mong muốn trên mỗi sản phẩm. Thông thường, mức lợi nhuận sẽ được tính dựa trên phần trăm của giá gốc.
Công thức tính:
- Lợi nhuận = Giá bán – Chi phí sản xuất
- Tỷ lệ lợi nhuận (%) = (Lợi nhuận / Giá bán) * 100
Bước 5: Xác định giá bán lẻ
Giá bán lẻ thường bao gồm chi phí sản xuất, chi phí Marketing, chi phí vận hành, và tỷ suất lợi nhuận mong muốn.
Công thức tính: Giá bán lẻ = Giá gốc + (Giá gốc * Tỷ lệ lợi nhuận mong muốn)
Ví dụ: Nếu giá gốc là 1.000.000 đồng và bạn muốn có lợi nhuận 30%, giá bán lẻ sẽ là 1.000.000 + (100.000 * 30%) = 1.300.000 đồng.
Bước 6: Xác định giá bán sỉ
Giá bán sỉ thường thường thấp hơn so với giá bản lẻ, bởi doanh nghiệp cần giảm giá để khuyến khích các nhà phân phối mua số lượng lớn. Giá sỉ phụ thuộc vào lượng sản phẩm mua và các ưu đãi, chiết khấu kèm theo.
Công thức tính: Giá bán sỉ = Giá bán lẻ – Chiết khấu số lượng
Ví dụ: Nếu bạn muốn đưa ra mức chiết khấu 10% cho các đơn hàng số lượng lớn, giá bán sỉ sẽ là 1.300.000 – (1.300.000 * 10%) = 1.117.000 đồng.
6. Lưu ý khi áp dụng các phương pháp định giá sản phẩm
Khi định giá sản phẩm, doanh nghiệp cần lưu ý một số yếu tố quan trọng để đảm bảo chiến lược định giá của mình là hợp lý, hiệu quả và tối ưu:
Tính đến tất cả các loại chi phí
Để đảm bảo không lỗ vốn, doanh nghiệp cần tính đúng và đủ tất cả các chi phí liên quan đến sản xuất và vận hành như: chi phí cố định, chi phí biến đổi, chi phí marketing và phân phối,…
Việc bỏ sót có thể dẫn đến tình trạng định giá quá thấp, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, không chỉ tính chi phí hiện tại, doanh nghiệp cần tính toán và dự trù cho những chi phí tương lai như: chi phí nguyên liệu hay lạm phát.
Cân bằng giữa giá cả, chất lượng và dịch vụ
Bên cạnh giá cả của sản phẩm, doanh nghiệp còn cần cân bằng với chất lượng và dịch vụ khách hàng. Một sản phẩm có giá cao nhưng mang lại giá trị cao cho khách hàng (chất lượng tốt, dịch vụ hỗ trợ, bảo hành dài hạn) có thể được khách hàng chấp nhận. Ngược lại, nếu giá cả không tương xứng với chất lượng hoặc dịch vụ kém, khách hàng sẽ nhanh chóng rời bỏ.
Đừng quá cứng nhắc trong chiến lược giá
Giá bán không nên là yếu tố cố định và không thay đổi theo thời gian. Những yếu tố như thị trường, đối thủ cạnh tranh, và xu hướng tiêu dùng luôn thay đổi, do đó doanh nghiệp cần phải linh hoạt trong việc điều chỉnh giá. Ví dụ, khi chi phí sản xuất giảm hoặc nhu cầu trên thị trường thay đổi, doanh nghiệp có thể xem xét đến việc giảm giá để thu hút thêm khách hàng hoặc giữ vững thị phần.
Tích hợp giá trị gia tăng
Giảm giá không phải lúc nào cũng là giải pháp tối ưu. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm giá trị gia tăng mà không cần giảm giá, chẳng hạn như miễn phí dịch vụ giao hàng, bảo hành dài hơn, hoặc tặng kèm sản phẩm. Việc này giúp khách hàng cảm thấy mình được nhận nhiều giá trị hơn so với số tiền họ bỏ ra mà không làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thử nghiệm và điều chỉnh giá
Thị trường thay đổi liên tục và không có một mức giá cố định nào phù hợp mãi mãi. Do đó, doanh nghiệp cần liên tục thử nghiệm các mức gái khác nhau để tối ưu hoá lợi nhuận. Doanh nghiệp có thể thử nghiệm trên từng phân khúc khách hàng khác nhau để tìm ra mức giá phù hợp nhất và điều chỉnh sao cho phù hợp với xu hướng của thị trường và phản hồi của khách hàng.
7. Kết
Việc nắm vững các chiến lược, phương pháp định giá sẽ giúp bạn tối ưu hoá lợi nhuận, nâng cao giá trị thương hiệu và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Mong rằng qua bài viết trên, bạn có thể lựa chọn chiến lược định giá sản phẩm phù hợp, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp!